Truyện ngắn Lê Đức Quang: Áng văn

Tân là một cây bút trẻ, đã có nhiều truyện ngắn đăng trên các báo. Theo như giới văn nghệ sĩ thì cho rằng, anh là cây bút viết rất khỏe, viết lôi cuốn người đọc, có nhiều triển vọng. Còn các độc giả tuy chưa đọc bài anh, nhưng họ nhìn anh bằng cặp mắt kính trọng, nhất là những cô gái trẻ đam mê văn chương.

Năm nay, ở tỉnh có cuộc thi viết về: “ Người cha thân yêu…”. Người ta treo giải, năm triệu. Các văn nghệ sĩ đã hay tin, ai cũng tham gia cuộc thi. Họ bắt đầu đi thực tế, tìm hình ảnh chân thật trong cuộc sống. Có người âm thầm lên tận miền núi xa xôi, viết về người cha nông dân nghèo khổ mà vẫn cố gắng lo cho các con ăn học thành tài. Có người ra tận ngoài hải đảo, viết về những chiến sĩ vừa ngày đêm canh giữ cho quê hương, vừa lo cho gia đình. Có người tìm đến các doanh nghiệp, viết về sự lăn lộn thành công trong cuộc sống, mà gia đình vẫn hạnh phúc. Tân cũng đã hay tin cuộc thi này nhưng anh không đi đâu cả, đóng cửa phòng viết. Anh cho rằng không cần đi đâu cũng có thể có được một tác phẩm kiệt tác.

truyen-ngan-le-duc-quang-ang-van

Nhà văn Lê Đức Quang

Suốt cả tuần nặng nhọc trôi qua rồi, Tân không viết được chữ nào. Hôm nay anh cầm bút lên, đắn đo và suy nghĩ. Và một lần nữa, anh không biết đặt dòng chữ nào đầu tiên vào trang giấy trắng! Bao nhiêu câu thơ, bao nhiêu ý tưởng, anh nung nấu thôi thúc trong lòng giờ đây đâu mất rồi? Anh nhớ lại, như mọi lần, anh ngồi vào bàn, cầm bút lên gieo ý tưởng xuống trang giấy trắng là dòng chữ nhẹ nhàng trôi đi. Thế nhưng hôm nay cũng như thường lệ, không biết tại sao viết không được? Tại sao nhỉ? Anh không chịu thua, vẫn cố ra sức viết. Song không viết được chữ nào, thực tế thật đáng hổ thẹn. Nó nhạt nhẽo và nhàm chán vô cùng. Anh bất lực và đau đớn, trước trang giấy trắng vô hồn. Người làm nghệ thuật sợ nhất là “chết nghề nghiệp”, nghĩa là tự nhiên không viết được nữa. Giống như một con người đang hoàn toàn khỏe mạnh, tim đập và máu chảy, bỗng nhiên tất cả dừng lại, nhắm mắt xuôi tay!…Giờ đây anh nghĩ, phải chăng, không lẽ mình lại chịu cái nghiệp chết bất đắc kỳ tử này? Anh giận dữ, ném bút xuống bàn, không viết nữa, hẹn khi nào bệnh hồi phục rồi mới viết lại…

Thế nhưng ngay ngày hôm sau anh lại nghĩ khác: Không, không thể chờ đợi thêm được nữa. Không thể hẹn cho ngày mai, đó là những người lười. Nếu như thế, bạn bè sẽ nhỏ to cho rằng anh là cây bút tồi, chỉ có tài nói dóc. Nếu thế, giải thưởng năm nay người khác sẽ nhận mất! Tân nhớ lại, đã có một bạn viết bảo với anh rằng, khi nào viết không được, hãy mở nhạc nghe. Âm nhạc gây ngẫu hứng, có sức truyền cảm mạnh, có thể giúp viết lại được. Lúc đó anh không tin gì mấy, giờ đây anh làm thử. Anh mở nhạc, vặn vô lim nhỏ nhỏ, nhắm mắt định thần, chăm chú lắng nghe…Quả nhiên công hiệu tuyệt vời. Cuối cùng, anh cũng đã có được một ý tưởng mới. Một ý tưởng lạnh lùng khi đặt bút!

Lúc đầu anh viết: “ Bố mẹ tôi là người tốt nhất trên thế gian này, nhất là bố tôi. Lúc còn nhỏ, lần nào tôi bệnh, bố cũng ngồi bên cạnh đầu giường chăm sóc cho tôi cả. Bố cầm quạt, quạt cho tôi thâu đêm suốt sáng.Thỉnh thoảng, bố đưa tay sờ lên trán tôi, xem thử bệnh tình tôi như thế nào. Bệnh tôi bớt, thế là do lo lắng quá sức bố lại ngã bệnh theo. Lúc đi học, nhà tuy cách trường chừng hai trăm mét, nhưng bố tôi vẫn đưa đón đều đặn. Nhất là những ngày thi tốt nghiệp, bố tôi không dám nói chuyện to, không dám xem ti vi, sợ con mình không tập trung tư tưởng. Có lần mẹ tôi vô tình nói chuyện tiền nong, bố la. Bố bảo, không được nói chuyện này, con nó lo..”.

Viết xong tác phẩm, nhưng anh hoàn toàn không hài lòng. Anh cho rằng viết như thế không cảm động, không làm cho ban giám khảo phải rơi nước mắt. Anh viết khác, bỏ nhân vật mẹ đi, cảm động hơn. Anh viết: “ Mẹ tôi chết rồi, chết từ lúc tôi hãy còn rất nhỏ, bố tôi âm thầm nuôi tôi khôn lớn. Bố làm nghề phụ hồ, một nghề cực nhọc luôn đổ mồ hôi, vậy mà vẫn cố gắng lo cho tôi ăn học, không thua kém những bạn có cha mẹ đầy đủ. Bố tôi, người thân duy nhất của tôi cũng là người có biệt danh mặc đồ áo cũ. Bố không có bộ đồ nào sang trọng cả, dù chỉ một bộ thôi. Bố tôi lo lắng sợ tôi không có tiền sài vặt, người chỉ biết âm thầm làm và làm, không nghỉ ngơi, cho dù chủ nhật hay những ngày lễ. Quan niệm và niềm vui của bố, chỉ biết con và vì con. Đã có lần hàng xóm bảo rằng: “ Anh còn trẻ, sao không kiếm một cô, về phụ giúp anh một tay…”. Bố không chịu, bảo: “ Tôi sợ cái cảnh mẹ ghẻ con chồng, con nó khổ, tội nghiệp!…”. Bây giờ tôi đã lớn tuổi, đã có vợ, ở nhà riêng, vậy mà lần nào đến thăm, bố cũng hỏi thăm sức khỏe, giống như một đứa trẻ mới lên năm. Bố còn bảo, khi nào thiếu thốn tiền bạc cũng như tình cảm, hãy đến chỗ bố nhé!…Bố lo lắng cho tôi đủ thứ. Bố luôn là bóng mát che chở cuộc đời tôi…”. Lần này viết xong tác phẩm, anh rất hài lòng. Anh hối hả đem niềm hy vọng gửi đi thi.

Cuối cùng, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu mong đợi anh cũng được toại nguyện. Áng văn của anh đoạt giải nhất! Anh vui mừng vô cùng, không làm sao tả xiết. Theo thông lệ của giới văn nghệ sĩ, người nào đạt giải phải chiêu đãi cho kẻ thất trận. Anh làm theo lệ, mời bạn bè đến nhà. Giới văn nghệ sĩ vui vẻ, hầu như ai cũng đến nhà anh cả. Mới bước vào nhà, họ ngạc nhiên vì trong nhà bàn ghế được sắp xếp cẩn thận. Trên bàn, nơi chiêu đãi khách, có khăn bàn màu trắng, có lọ hoa hồng tươi đỏ thắm… Mọi vật trong phòng khách, tuy nhỏ, cũ kĩ nhưng được trang trí rất gọn gàng. Có người nói: “ Căn phòng trông đẹp quá! Có lẽ người phục vụ bữa tiệc này tốn rất nhiều công sức, có đầu óc thẩm mỹ…”. Có người khác nói: “ Lát nữa, ăn uống xong ra về, tôi sẽ hỏi ai trang trí đẹp như vậy?”. Thế nhưng, sau khi ngồi vào bàn cùng nhau ăn uống, đàm luận văn chương và đủ thứ chuyện trên đời, hai giờ chiều, tiệc tan, họ ra về đã quên hỏi ai trang trí căn phòng đẹp như thế?

Thím Sáu, mẹ của anh Tân, thời con gái nổi tiếng đẹp nhất làng. Thế nhưng không phải người đẹp là người có hạnh phúc. Thím có chồng, chồng thím là một người đẹp trai. Lúc mới yêu nhau, ông ta  luôn tỏ ra mình là một người lịch sự, tế nhị, nói chuyện thì vô cùng ngọt ngào. Có lần, ông ta dịu dàng nói: “Em yêu! Cho dù sông cạn đá mòn, anh vẫn một mực yêu em! Anh sẽ chăm sóc, lo lắng cho em suốt cả cuộc đời này!…”. Cũng có lần, ông ta đường mật nói: “Em yêu! Em chính là một nửa của anh đó!… Nếu vắng em rồi, cuộc đời này trở nên trống vắng và đìu hiu biết bao!…”. Ông ta thêu dệt, hứa hẹn với thím đủ điều. Vậy mà cưới nhau về rồi, thím Sáu mang bầu tám tháng, ông ta đã bỏ theo một người đàn bà giàu có lớn tuổi khác, không về thăm con lấy một lần, huống hồ chi thăm thím. Hàng xóm xót lòng, bảo: “ Cậu Đảm giàu có, yêu và chờ đợi cô từ thời con gái, sao cô không lấy đi, nhờ tấm thân…”.  Thím Sáu im lặng, không nói gì cả. Thím vẫn ở vậy nuôi con khôn lớn, cho dù cảnh một mẹ một con trong cuộc sống gồ ghề lắm điều cơ cực. Bây giờ, anh Tân lớn đẹp trai bao nhiêu, ngược lại thím Sáu già và xấu đi bấy nhiêu.

Từ lúc anh Tân mở tiệc chiêu đãi bạn bè, thím Sáu hối hả lo mượn bàn ghế, sửa sang căn phòng sao cho thật đẹp. Khách đến, thím Sáu lo phục vụ cho con. Khách về, thím Sáu lo “thu dọn chiến trường”, không kịp nghỉ tay và cơm nước chi cả. Bây giờ đã hai giờ chiều, vừa dọn dẹp xong, thím Sáu đói bụng lắm, nhưng bụng không muốn ăn. Thím lên nhà trên, chỗ kệ sách mà thím đã giành dụm tiền mua cho anh Tân từ năm ngoái, lấy áng văn đoạt giải của con ra đọc. Thím nghĩ áng văn đoạt giải chắc tình người và cảm động lắm. Thím cầm áng văn bước lại ghế, ngồi xuống, chậm rãi đọc dòng chữ đầu tiên: “ Mẹ tôi chết rồi, chết từ lúc tôi hãy còn rất nhỏ, bố tôi âm thầm nuôi tôi khôn lớn…”. Đọc mới đến đây, thím Sáu giật mình, nhìn quanh phòng, rồi đưa tay sờ soạn khắp người, xem thử có còn cảm giác hay không. Thím thấy hoàn toàn không sao cả, thanh minh một mình: Đâu có! Mẹ chưa có chết! Mẹ vẫn còn sống đây mà con! Sao con lại viết thế, hả con? Tại sao? Tại sao con lại nhẫn tâm viết thế? À, mẹ biết rồi! Chắc là con lo cho mẹ chứ gì? Con yên tâm, chưa thấy con sung sướng và hạnh phúc, mẹ chưa chết được đâu. Mẹ sẽ lo cho con suốt cả cuộc đời này. À, cũng có thể mẹ già rồi, mắt mẹ mờ nên đã đọc nhầm, chứ con nào nhẫn tâm viết mẹ chết như thế! Phải không con? Mẹ đã nhầm rồi, mẹ đã nhầm rồi!…Thím Sáu dụi mắt cho rõ, cầm áng văn lên, rồi tiếp tục đọc: “ Bố tôi làm nghề phụ hồ, một nghề cực nhọc luôn đổ mồ hôi, vậy mà bố vẫn cố gắng lo cho tôi ăn học, không thua kém những bạn có cha mẹ đầy đủ…” Thím Sáu bực tức, ném áng văn xuống đất, cố cãi: Không có! Không phải, bố con không phải làm nghề phụ hồ. Bố con chỉ đẹp trai, chỉ tài dẻo miệng, không nghề nghiệp chi cả! Bố con không nuôi con, mẹ đây mới chính là người nuôi con! Lúc con ngủ, lúc con bệnh,… mẹ luôn ở bên con mà! Mẹ luôn lo lắng, luôn sợ con buồn phiền mà! Con không nhớ sao! Ngày đó, tháng đó, con bệnh mẹ thức suốt đêm lo cho con đó! Điều đó con cũng nhớ và biết, hàng xóm cũng biết, sao con lại viết thế, hả con? Con ơi, sao con lại nhẫn tâm viết thế, viết thế… Thím Sáu không muốn đọc nữa, nhưng mắt liếc nhìn thấy dòng chữ: “ Bố lo lắng cho tôi đủ thứ. Bố luôn là bóng mát che chở đời tôi…”. Đến đây, những ngày tháng cực nhọc nuôi con khôn lớn ùa về trong lòng thím Sáu, cổ nghẹn lại, nước mắt chảy ra. Và thím lặng lẽ đã ngồi khóc một mình

Lúc này anh Tân đi trả vỏ chai bia về nhà nhưng không thấy mẹ đâu cả. Anh lên nhà trên, chỗ kệ sách mà mẹ anh thường xuyên cẩn thận lau chùi, thấy mẹ đang ngồi bên cạnh áng văn. Anh đoán biết mẹ vừa đọc xong, lại gần, câu đầu tiên, anh hỏi:

– Mẹ mới đọc bài văn con đoạt giải hả? Sao, mẹ thấy có hay không?

– Ừ, hay lắm…

– Thế mẹ thích đoạn nào?

– Ừ, đoạn nào mẹ cũng thích cả…

Anh Tân vô tư hỏi, thím Sáu sợ con buồn nên cứ nói đưa đẩy. Anh Tân liếc nhìn thấy mắt mẹ đỏ, giống như vừa khóc, ngạc nhiên hỏi:

– Ủa, mắt mẹ sao đỏ thế?

Thím Sáu nói:

– Ừ, cát bụi đó mà! Dạo này, gió sao săn quá, hạt bụi từ trong cuốn sách đã vô tình bay vào mặt mẹ rồi, con ơi…/.

LÊ ĐỨC QUANG (KHÁNH HÒA) – Theo Vanhocsaigon.com

Add Comment