Top 15 truyện cổ tích Việt Nam hay nhất mọi thời đại

Từ xa xưa, ai trong chúng ta cũng được lớn lên theo lời ca tiếng hát, lời ru, cùng những câu truyện cổ tích trong lời kể của bà của mẹ. Từ những câu chuyện cổ tích về cô Tấm nết na, về cậu bé Thánh Gióng dũng cảm, lớn nhanh như thổi đến câu chuyện Cây tre trăm đốt với câu thần chú  “khắc nhập” “khắc xuất”,…mà gợi nhớ cho chúng ta những hình ảnh quen thuộc và gắn bó về tuổi thơ, về cái thuở còn nằm nôi. Những lời ru, những câu chuyện về tuổi thơ đó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta lớn lên từng ngày và trưởng thành.
truyen-co-tich-viet-nam-hay-nhat-moi-thoi-dai

Dù thời gian có trôi qua mau, dù bao nhiêu chuyện vui buồn trong cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn hàng ngày, từng giờ,… thì những câu chuyện cổ tích ngàn đời vẫn luôn đi theo trong tâm trí của mỗi chúng ta. Hãy cùng ngược về dòng ký ức tuổi thơ qua những câu chuyện cổ tích Việt Nam hay nhất mà mình muốn giới thiệu đến các bạn dưới đây nhé!

Ngoài ra, nếu bạn muốn đọc thêm nhiều câu truyện cổ tích Việt Nam và thế giới thì vào trang web https://cotich.net đọc nhé.

1. Truyền thuyết Thánh gióng

Vào thời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng nọ, có một đôi vợ chồng ông lão tuy chăm chỉ làm ăn và nổi tiếng là nhân hậu, nhưng mãi không có một mụn con. Một hôm nọ, người vợ đi làm nương, bỗng thấy một vết chân to vì to mò bà liền ướm thử chân vào.

Nào ngờ, sau khi về nhà bà lại mang thai và không phải là 9 tháng 10 ngày như bao đứa trẻ khác, mà phải đến 12 tháng sau, bà mới sinh ra một bé trai cực kỳ khôi ngô, bụ bẫm và đặt tên là Gióng. Nhưng lạ thay, cậu bé lên ba tuổi vẫn chưa biết đi, chưa biết nói và chưa biết cười. Một ngày kia, khi giặc nước Ân sang xâm chiếm nước ta, vua Hùng ngay lập tức cho người đi tìm nhân tài có thể cứu đất nước trong lúc lâm nguy.

Bỗng nhiên, cậu bé cất tiếng nói đầu tiên với Cha Mẹ và đó chính là lời nói xin cho con được đi đánh giặc giúp nước. Cậu bé yêu cầu sứ giả về tâu lại với vua Hùng sắm cho cậu một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt và một áo giáp sắt. Sau ngày đó, cậu bé bỗng lớn nhanh như thổi. Cậu có thể ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà do bà con hàng xóm gom góp.

Bỗng cậu bé vươn vai trở thành một tráng sĩ cao lớn, vạm vỡ, chàng mặc áo giáp sắt, cưỡi con ngựa sắt và cầm roi sắt xông ra trận diệt quân giặc. Trong trận chiến, roi sắt của chàng bị gãy, tráng sĩ buộc phải nhổ những bụi tre mọc ven đường để làm vũ khí đánh quân xâm lược.

Sau khi đánh cho bọn giặc chạy tan tác, tráng sĩ một mình cưỡi con ngựa sắt chạy lên đỉnh núi cao rồi bay thẳng về trời. Về sau, để tưởng nhớ công ơn của tráng sĩ, người dân lập đền thờ Thánh Gióng, hàng năm tổ chức hội làng để tưởng nhớ người tráng sĩ năm xưa.

Ngày nay, những dấu tích của trận đánh năm xưa vẫn còn lưu lại trên mặt đất, trên những bụi tre tại làng Gióng.

Link đọc chi tiết: https://cotich.net/truyen-thuyet-thanh-giong-a122.html

2. Sự tích cây khế

Ngày xửa ngày xưa nhà nọ có hai anh em, người anh thì vô cùng tham lam, người em thì hiền lành chịu khó. Sau khi cha mẹ qua đời người anh lấy vợ ra ở riêng đã vơ vét hết tài sản và chỉ để lại cho người em một cây khế ở góc vườn.
Người em được chia tài sản đã không một lời phàn nàn, dựng túp lều gần cây khế. Hàng ngày, người em chăm bón cây khế và làm thuê kiếm tiền nuôi thân.
Cây khế cứ lớn dần, năm ấy bỗng sai trĩu quả. Vì vậy người em mừng lắm. Một hôm, bỗng dưng có con chim lạ từ đâu bay tới cây khế và ăn khế của người em. Thấy vậy người em buồn lòng than thở với chim. Chim lạ đáp lại “Ăn một quả trả cục vàng may túi ba gang mang đi mà đựng”.
Mấy hôm sau như lời hứa chim đến đón người em tới một hòn đảo rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em từ trên cao ngắm nhìn hòn đảo và lấy vàng chỉ đầy túi ba gang rồi cưỡi lên lưng chim trở về. Người em về nhà dùng số vàng bạc lấy được đổi lấy thóc lúa để giúp đỡ những người khó khăn trong làng.
Thấy vậy, người anh sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình để lấy cây khế của người em. Người em một lần nữa không phàn nàn và đồng ý đổi cho anh.
Năm ấy cây khế cũng sai trĩu quả chim lạ cũng đến ăn. Người anh cũng than thở khóc lóc. Chim đáp lại và hứa mang đi lấy vàng. Bản chất tham lam, người anh liên bảo vợ may túi sáu gang để đựng được thật nhiều vàng.
Mấy hôm sau chim lạ đến đón người anh và đưa người anh đến hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người anh đã lấy đầy chặt vàng bạc trên đảo vào chiếc túi sáu gang mình mang đi. Trên đường trở về, vì phải chở nhiều vàng bạc lại bay ngược gió, chim lạ mỏi cánh. Chim giục người anh vứt bớt vàng đi nhưng người anh nhất quyết không nghe.
Chim phượng hoàng bực tức, không chịu nổi sức nặng nó nghiêng cánh hất người anh tham lam cùng vàng bạc xuống biển. Thế là hết đời kẻ tham lam.

3. Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt

Ngày xưa ngày xưa có một chàng trai hiền lành, khỏe mạnh tên là Khoai đi cày thuê cho vợ chồng ông phú hộ. Hai vợ chồng phú hộ hứa: “Con chịu khó làm lụng giúp ta, ba năm nữa ta sẽ gả con gái ta cho”. Anh Khoai tin vào lời hứa của 2 vợ chồng phú hộ, ra sức làm việc chăm chỉ, không ngại khó nhọc, vất vả.

Thời gian 3 năm trôi qua, anh đã giúp cho hai vợ chồng phú hộ có mọi thứ của cải trên đời. Đến lúc phải thực hiện lời hứa thì ông bèn trở mặt, không giữu lời hứa. Ông đưa ra một điều kiện là anh Khoai phải tìm được một cây tre có đủ trăm đốt tre, để làm nhà cưới vợ thì ông mới đồng ý gả con gái cho. Anh Khoai đồng ý lên rừng và quyết tâm tìm được một cây tre đủ trăm đốt.

Nhưng tìm mãi, tìm mãi vẫn không thấy, anh bèn thất vọng ngồi sụp xuống khóc. Bỗng nhiên, một Ông Bụt hiện lên và bảo anh cứ đi tìm và chặt đủ 100 đốt tre lại đây, rồi đọc hai câu thần chú: “khắc nhập, khắc nhập!” lập tức 100 đốt tre nhập lại thành một cây tre trăm đốt và khi đọc “khắc xuất, khắc xuất!” thì lập tức cây tre trăm đốt tách rời ra thành từng đốt như cũ.

Anh Khoai mừng rỡ cảm ơn Ông Bụt và gánh 100 đốt tre về làng ra mắt ông phú hộ. Ông phú hộ nhìn thấy liền cười và bảo “ ta nói cây tre trăm đốt, không phải trăm đốt tre”. Anh Khoai liền đọc câu thần chú “khắc nhập” “khắc nhập” như lời Bụt đã dạy. Ông phú hộ không tin vào những gì mình nhìn thấy, ông sờ tay vào cây tre và phép màu của Bụt đã hút ông dính luôn vào cây tre.

Khi ông đồng ý giữ lời hứa, anh Khoai mới đọc “khắc xuất” “ khắc xuất” để giải thoát cho cha vợ của mình. Sau khi được anh Khoai cứu giúp, ông phú hộ đồng ý giữ lời hứa, gả con gái cho anh. Từ đấy, anh và con gái ông phú hộ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

4. Truyện cổ tích Tấm cám

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Bố mẹ mất sớm, Tấm phải ở cùng với dì ghẻ (mẹ của Cám). Trong khi Cám được nâng niu chiều chuộng thì Tấm lại phải vất vả khổ cực, bị dì la mắng và đối xử thậm tệ. “Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc”.
Một hôm, theo lời dặn của dì, Cám cùng Tấm ra ngoài đồng bắt tép. Vì phần thưởng là chiếc yếm đỏ hằng ao ước nên Tấm rất chăm chỉ miệt mài bắt tôm tép giữa trời nắng oi bức. Trong khi đó, Cám thì mải rong chơi đuổi hoa bắt bướm rồi quên mất nhiệm vụ, kết quả là chiều về giỏ không có gì cả. Cám lừa Tấm xuống tắm ao và cướp hết số tôm tép mà Tấm đã chăm chỉ nỗ lực cả buổi mới bắt được. Tấm tủi thân và ngồi khóc một mình. Bụt thấy thương quá, hiện lên an ủi giúp đỡ, bảo Tấm mang con cá bống còn sót lại về nuôi. Tấm hằng ngày chừa một phần cơm của mình, ra giếng gọi cá bống “ Bống bống bang bang lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” và lập tức cá hiện lên, đớp những hạt cơm vàng ngọc chắt chiu của cô Tấm. Mẹ con Cám mưu mô xảo quyệt vì ganh ghét nên rình được và hại chết con cá bống. Lần này, Bụt lại ra tay giúp đỡ bằng cách chỉ Tấm bỏ xương cá vào lọ rồi đem cất dưới chân giường.
Nhà vua mở hội linh đình, ai ai cũng náo nức đi trẩy hội. Mẹ con Cám không muốn Tấm đi dự hội bèn dở âm mưu bắt tấm nhặt một thúng thóc và gạo trộn lẫn. Bụt hiện lên, sai đàn chim sẻ nhặt giúp Tấm. Rồi bảo Tấm đào bốn cái chậu xương cá dưới giường lên. Bất ngờ thay, những mảnh xương cá từ trước đã biến thành trang phục lộng lẫy, tỏa sáng,vừa vặn với thân hình của Tấm và nàng vui vẻ đi tham dự lễ hội.
Trong lúc vội vàng trở về, chẳng may Tấm sơ ý đánh rơi một chiếc giày xuống sông. Tấm mò mãi mà không được. Vua nhìn thấy chiếc giày nhỏ nhắn xinh đẹp và cảm lòng với chủ nhân, lập tức ra lệnh ai ướm thử vừa chiếc giày sẽ trở thành hoàng hậu. Tất cả mọi người trong kinh thành khi nghe tin đều háo hức nô nức đến thử giày, tìm kiếm hi vọng trở thành vợ của người đứng đầu đất nước. Nhưng rất tiếc, tất cả đều không vừa. Riêng đến lượt Tấm, đôi giày vừa khít. Vua cho mời nàng về cung và Tấm trở thành hoàng hậu.
Mẹ con Cám sau bao nhiêu chuyện vẫn căm thù Tấm và âm mưu hãm hại. Trong một dịp Tấm về giỗ cha, họ đã lén lút chặt đứt cây cau và hại chết Tấm. Cám vào cung tiến vua thay chị. Tấm lần lượt biến thành con chim vàng anh, cây xoan, khung cửi, quả thị. Cuối cùng trở thành con gái của bà lão hàng nước. Khi nhà vua tình cờ đi qua đây và nhận ra Tấm, liền đón nàng về cung. Kết thúc câu chuyện, mẹ con Cám bị trừng phạt thích đáng và Tấm sống hạnh phúc mãi mãi bên nhà vua.

5. Truyện cổ tích Sọ dừa

Ngày xưa có một đôi vợ chồng già hiếm muộn con cái, phải đi ở cho nhà phú ông. Một hôm người vợ vào rừng đốn củi, bà thấy khát nước và muốn uống nước thì bỗng nhìn thấy một cái sọ dừa có rất nhiều nước. Bà liền uống hết và sau khi về nhà liền mang thai.

Không lâu sau, bà sinh ra một đứa bé kì dị, không có chân và không có tay, thân hình tròn như một sọ dừa. Ban đầu bà hơi sợ, nhưng thấy đứa bé biết nói và cũng là nắm ruột của mình sinh ra, nên bà quyết định giữ lại nuôi và đặt tên là Sọ Dừa. Đứa bé rất ngoan, thương mẹ vất vả, nên Sọ Dừa nhận chăn đàn bò nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi, con nào cũng béo mượt.

Ba cô con gái nhà phú ông thay nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị kênh kiệu thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô út đối đãi với Sọ Dừa vô cùng tử tế. Ngày tháng cứ thế trôi qua, cô Út và Sọ Dừa đều quý mến nhau. Sọ Dừa nhờ mẹ đến nhà phú ông hỏi cưới cô Út. Phú ông xem thường liền thách cưới thật lớn nhưng Sọ Dừa giúp Mẹ đem đầy đủ lễ vật thách cưới sang.

Phú ông đành phải đồng ý gả cô Út cho Sọ Dừa. Vào ngày cưới, Sọ Dừa bỗng hiện nguyên hình là một chàng trai khôi ngô và tuấn tú, khiến hai cô chị vô cùng ghen tức. Nhờ chăm chi đèn sách Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và được nhà vua cử đi sứ nước ngoài.

Trước khi đi chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà để đề phòng tai hoạ. Sau khi Sọ Dừa đi vắng, hai người chị liền tìm cách hãm hại cô em út, họ đẩy cô xuống biển hòng cướp chồng của em. May mắn, nhờ có các đồ vật mà Sọ Dừa đã đưa cho, cô út thoát chết kỳ diệu và được chồng cứu trên đường đi sứ về.

Cuối cùng hai vợ chồng Sọ Dừa đoàn tụ sống hạnh phúc mãi mãi, còn hai cô chị xấu hổ quá bỏ nhà đi biệt tích.

6. Truyện Cậu bé Tích chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.
Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.
Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!
Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:
– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!
– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!
Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:
– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!
– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!
Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:
– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?
Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.
Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.
Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.

Đọc chi tiết: https://cotich.net/cau-be-tich-chu-a9.html

7. Sự tích trầu cau

Ngày xửa ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ IV. Có hai anh em một nhà nọ rất thương yêu nhau. Người anh tên là Tân và người em tên là Lang. Hai người có gương mặt và vóc dáng giống nhau nên nhiều người nhầm lẫn không phân biệt được ai là anh và ai là em.

Sau khi cha mẹ qua đời đã gởi gắm 2 anh em theo học nhà họ Lưu. Nhà họ Lưu có một cô con gái đã đến tuổi cặp kê. Cô gái đem lòng quý mến người anh. Từ lúc Tân lấy vợ, mặc dù vẫn chiều chuộng em trai nhưng thời gian dành cho vợ nhiều hơn nên Lang đâm ra buồn bã.

Một lần chị dâu nhận nhầm người em là chồng mình nên đã ôm nhầm sau khi Lang từ ngoài đồng về. Từ đó Lang xấu hổ bỏ nhà đi, đi mãi đến con suối, không qua được thì ngồi xuống ôm mặt khóc và hóa thành tảng đá. Người anh là Tân vì thương nhớ em cũng bỏ đi tìm em, đi mãi đến con suối, không qua được cũng ngồi xuống bên cạnh tảng đá khóc và biến thành cây cau thẳng đứng.

Người vợ ở nhà chờ chồng lâu quá không về, nên cũng bỏ đi tìm, đi mãi đến con suối không qua được, nàng ngồi bên cạnh cây cau mà khóc và hóa thành cây trầu quấn quanh cây cau.

Trầu, cau và vôi khi quyện lại với nhau tạo ra sắc đỏ như máu, nên về sau có vị vua đi tuần qua đó, nghe thấy câu chuyện trên mà dạy cho dân ta hãy dùng 3 thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết giữa anh em và vợ chồng mãi mãi không rời xa.

8. Truyện cổ tích Ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.

Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.

Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!

Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.

Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.

Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ

Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!

Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.

Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.

Đọc chi tiết: https://sachhay24h.com/cau-chuyen-ba-luoi-riu-a969.html

9. Sự tích quả dưa hấu [Mai An Tiêm]

Ngày xửa ngày xưa, vào thời vua Vua Hùng Vương thứ 18, có một cậu con trai nuôi thông minh tuấn tú tên là Mai Yển, hiệu là An Tiêm.

Khi An Tiêm lớn lên, vua cưới vợ cho An Tiêm, và tin dùng ở triều đình. Cậy nhờ ơn Vua cha, nhưng An Tiêm lại kiêu căng cho rằng tự sức mình tài giỏi mới gây dựng được sự nghiệp, chứ chẳng nhờ ai. Lời nói này vô tình lọt đến tai vua, vua cho rằng An Tiêm là kẻ kiêu mạn, vô ơn, bèn đày An Tiêm cùng vợ con ra một hòn đảo xa ở nước ta.

Họ sống trên hoang đảo và ra sức khai khẩn, trồng trọt để kiếm sống. Một ngày nọ có con chim lạ từ phương Tây bay đến nhả mấy hạt gì xuống đất. Được ít lâu, thì hạt nẩy mầm, mọc dây lá cây lan rộng. Cây nở hoa, kết thành trái to. Rất nhiều trái vỏ xanh, ruột đỏ. An Tiêm gọi là trái Dưa Hấu và lấy hạt gieo trồng khắp nơi, sau đó mọc lan ra rất nhiều.

Một ngày kia, có một chiếc tàu bị bão dạt vào cù lao, thấy có nhiều trái lạ, ngon. Họ đua nhau đổi thực phẩm cho gia đình An Tiêm. Nhờ đó mà gia đình bé nhỏ của An Tiêm trở nên đầy đủ và cuộc sống sung túc hơn.

Về sau gia đình An Tiêm được vua đón về khôi phục lại chức vụ. An Tiêm dâng cho vua giống dưa hấu mà mình may mắn có được. Rồi phân phát hạt dưa cho dân chúng trồng ở những chỗ đất cát, làm giàu thêm cho xứ Việt một thứ trái cây danh tiếng.

10. Truyện cổ tích Sơn Tinh – Thuỷ Tinh

Ngày xửa ngày xưa vào thời vua Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Đến cầu hôn có hai vị thần tài giỏi ngang nhau, đều xứng làm rể Vua Hùng.

Một người là Sơn Tinh – chúa vùng non cao. Một người là Thuỷ Tinh – chúa vùng nước thẳm. Để lựa chọn được chàng rể xứng đáng, Vua Hùng bèn đặt ra điều kiện: “Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thi ta sẽ gả con gái cho”.

Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến truớc, cưới được Mị Nương. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nồi giận, đem quân hô mưa gọi gió, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm cho thành ngập chìm trong nuớc. Sơn Tinh không hề nao núng, dùng phép bốc từng quả đồi, dời tùng dãy núi, đắp thành dựng luỹ, ngăn chặn dòng lũ. Hai bên đánh nhau kịch liệt.

Cuối cùng Thuỷ Tinh đuối sức phải chịu thua. Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh vẫn làm mưa gió, bão lụt, dâng nước đánh Sơn Tinh.

11. Sự tích Cây vú sữa

Ngày xửa, ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch ngợm và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên rất buồn. Ngày ngày, mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về.

Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống chết và hóa thành một cái cây lạ. Cậu đi mãi thấy đói và khát liền tìm đường về nhà với Mẹ. Về tới nhà không thấy Mẹ đâu, cậu bé ngồi xuống ôm cây lạ mà khóc. Kỳ lạ thay, cây bỗng run rẩy, từ các cành lá, những đài hoa bé tí trổ ra, nở trắng như mây.

Sau đó hoa tàn, quả xuất hiện, lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to, chát quá ăn không được. Thế là quả thứ hai rơi xuống cũng ăn không được vì cứng quá.

Cuối cùng quả thứ ba rơi xuống, cậu bé bóp xung quanh quả cho lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như dòng sữa mẹ… Cậu bé dùng miệng hút lấy dòng sữa ngọt ngào đó. Về sau, người dân trong vùng đặt tên cây là Cây Vú Sữa.

Đọc chi tiết: https://cotich.net/su-tich-cay-vu-sua-a45.html

12. Truyện cổ tích Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa,  năm nào cũng không rõ, hạn hán nặng nề. Trên trời không đổ một giọt mưa, sông ngòi khô cạn kiệt, cây cối mùa màng vì không có nước tưới cũng vì thế mà khô cằn rồi chết khô. Không những vậy, các loài chim muông, thú dữ cũng không có nước để uống chỉ nằm chờ chết.

Một ngày nọ, Cóc tía bé nhỏ, xấu xí muốn lên Thiên Đình kiện Ông Trời. Trên đường đi, Cóc tía gặp Cua và rủ Cua cùng đi kiện Trời. Đi được một đoạn nữa, Cóc lại gặp Cọp và Gấu nên rủ cùng nhau đi kiện. Đi thêm một đoạn thì gặp Ong và Cáo nên rủ cùng đi kiện luôn.

Lên đến cổng Thiên Đình, Cóc phân cho mỗi con vật nấp vào một vị trí khác nhau. Tất cả đều nghe lệnh của Cóc. Sắp đặt xong đâu đấy, Cóc mới nhảy lên mặt trống đánh ba hồi ầm vang như sấm động. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi ra xem. Thiên Lôi vào bẩm báo là Cóc đánh trống.

Thế là Ngọc Hoàng lại sai gà ra mổ Cóc nhưng bị Cáo vồ mất. Ngọc Hoàng lại tiếp sai Chó ra vồ Cáo thì bị Gấu chộp mất. Ngọc Hoàng lại một đám lính ra bắt Gấu nhưng bị Hổ quật ngã hết.

Cuối cùng Ngọc Hoàng đành mời Cóc vào hỏi rõ sự tình. Cóc thuật lại tình hình hiện tại ở dưới trần gian hạn hán, lâu rồi không có lấy một giọt mưa nào. Ngọc Hoàng liên sai Thần Mưa phun nước xuống. Từ đó về sau hễ Cóc nghiến rang là Trời làm mưa ngay.

Đọc chi tiết: https://cotich.net/coc-kien-troi-a2251.html

13. Sự tích Chú cuội cung trăng

Ngày xửa ngày xưa có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, Cuội vác rìu vào rừng sâu chặt cây, bất ngờ gặp một hang Cọp. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Vừa lúc đó, cọp mẹ về tới. Cuội sợ hãi trèo thót lên cây cao.

Từ trên cây nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho Cọp con. Ít giây sau Cọp con sống lại, Cuội vô cùng kinh ngạc chờ Cọp Mẹ tha Cọp con đi lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc mang về. Trên đường về Cuội đã cứu một ông lão ăn mày nằm chết trên bãi cỏ, bằng chính lá cây lạ đó.

Ông lão sống lại và dặn dò Cuội đây là cây cải tử hoàn sinh nên phải tưới bằng nước sạch, nếu không cây bay lên trời. Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa.

Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi. Một chiều Cuội đi rừng kiếm củi, người vợ ở nhà không nhớ lời chồng dặn, tưới nước bẩn làm cây quý bay lên trời. Cuội về nhà thấy thế ,hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người.

Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống, nhưng cây vẫn cứ bay lên. Cuội cũng nhất định không chịu buông, nên cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng.Từ đó về sau, Cuội ở lại trên cung trăng cùng cây quý của mình.

14. Truyện cổ tích Thạch Sanh

Ngày xửa ngày xưa ở một ngôi làng nọ có hai vợ chồng ăn ở phúc đức nhưng người vợ mãi vẫn không sinh được con, thương tình Ngọc Hoàng phái con trai xuống đầu thai làm con của họ.Không may, hai vợ chồng mất sớm, để lại Thạch Sanh côi cút một mình sống dưới gốc cây đa và kiếm sống bằng nghề hái củi.

Lí Thông – một người sống bằng nghề cất rượu – thấy Thạch Sanh khỏe mạnh hắn giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng. Đúng dịp Lí Thông đến lượt phải vào đền cho chằn tinh hung dữ ăn thịt, hắn bèn lừa Thạch Sanh đến nộp mạng thay cho mình. Thạch Sanh đã dũng cảm triệt hạ được con chằn tinh bạo chúa. Lí Thông lại lừa cho Thạch Sanh bỏ trốn rồi đem đầu chằn tinh vào nộp cho vua để lĩnh thưởng, được vua phong làm đô đốc.

Nhà vua có công chúa đến tuổi kén chồng. Nhà vua tổ chức ngày hội kén rể linh đình cho nàng chọn được người nàng mãn nguyện nhất. Nhưng không may, công chúa lại bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Lí Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh xuống hang, giao chiến với Đại bàng và cứu được công chúa nhưng sau khi đưa được công chúa lên khỏi hang. Lí Thông đã lấp hang để giết Thạch Sanh.

Thạch Sanh giết đại bàng và cứu được con vua Thủy Tề vốn bị đại bàng bắt giam từ lâu. Thạch Sanh được xuống thăm thủy cung, được vua Thủy Tề phong thưởng rất hậu nhưng chàng chỉ xin một cây đàn rồi trở về gốc đa sinh sống.

Lại nói chuyện công chúa, từ khi được Lí Thông đưa về cung thì tự nhiên hóa câm. Hồn chằn tinh và đại bàng gặp nhau âm mưu tính kế trả thù Thạch Sanh, khiến chàng bị oan và bị nhốt trong ngục . Chàng lấy cây đàn được phong tặng ra gảy, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh câm. Thạch Sanh được vua cho gọi lên. Chàng kể lại rõ mọi việc. Vua giao cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông. Được chàng tha bổng nhưng hai mẹ con trên đường về đã bị sét đánh chết, hoá kiếp thành bọ hung.

Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Các nước chư hầu láng giềng tức giận đem quân sang đánh nước ta. Thạch Sanh lại lấy đàn thần ra gảy cảm hóa bao hận thù của quân giặc. Thạch Sanh khao quân giặc một niêu cơm nhỏ nhưng chúng ăn không hết, chúng càng kính phục và chấp nhận nhất tề cuốn giáp.

15. Sự tích bông hoa cúc trắng – Truyện cổ tích về lòng hiếu thảo

Ngày xưa có một cô bé sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát nhưng đó là một bé gái vô cùng hiếu thảo. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên ko có tiền mua thuốc chữa, và cô bé vô cùng buồn bã.
Một lần đang ngồi khóc bên đường bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn đừng lại hỏi khi biết sự tình ông già nói với cô bé:

– Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất trong rừng hái lây một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.
Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó. Phải khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh hai cánh ba cánh bốn cánh. Chỉ có bốn cánh hoa là sao chứ? Chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được bàng đấy ngày thôi sao? Không đành lòng cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình.

Hy vọng Top 15 truyện cổ tích Việt Nam hay nhất được tổng hợp trên đây sẽ trở thành ký ức tuổi thơ đẹp và ý nghĩa nhất, những hình ảnh quen thuộc của mỗi chúng ta. Mang đến những bài học làm người mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sẽ là nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ thật bổ ích. Để dù sau này có đi đâu xa thì vẫn luôn nhớ về gia đình, cha mẹ như nhớ về những câu chuyện cổ tích mà thuở nhỏ ta vẫn thường nghe.

Add Comment