Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi này khi đọc xong một cuốn sách

HÃY TỰ HỎI BẢN THÂN NHỮNG CÂU HỎI NÀY SAU KHI HOÀN THÀNH MỘT CUỐN SÁCH
Một cuốn sách không bao giờ chỉ là một tập giấy với một đống câu chữ dày đặc không có ý nghĩa, mà luôn luôn là một cuộc hành trình thú vị, một bức tranh xã hội chứa đầy sự châm biếm thâm thúy, hoặc những bài học sâu xa về cuộc sống, về con người, và cả những điều sâu thẳm bên trong mỗi chúng ta. Sẽ thật không ngoa khi nói rằng đọc một cuốn sách cũng như bước chân vào một thế giới mới, xóa bỏ dòng kẻ giới hạn của trí tưởng tượng và để bản thân được bay bổng cùng với ngôn từ. Vậy phải làm cách nào để biết được sau khi đọc một cuốn sách, ta đã thật sự đắm chìm vào thế giới mà tác giả đã sáng tạo nên và học được gì đó từ trải nghiệm ấy hay chưa?
hay-tu-hoi-ban-than-nhung-cau-hoi-nay-sau-khi-hoan-thanh-mot-cuon-sach
Cũng như khi học Văn, bằng cách đặt câu hỏi cho bản thân và tự trả lời, bạn có thể chắc rằng bạn đã phần nào hiểu được nội dung và thông điệp cơ bản mà tác giả muốn truyền tải. Dưới đây là một vài câu hỏi bạn nên đặt ra cho bản thân sau khi đọc xong một cuốn sách:
1. “Chọn một nhân vật bất kì. Nhân vật đó gặp phải vấn đề gì xuyên suốt câu chuyện và họ đã giải quyết nó như thế nào? Liệu có cách nào khác để đi đến kết thúc hay không? Bạn sẽ làm gì nếu bị đặt vào trong cùng một tình huống?”
Bất cứ câu chuyện nào cũng không chỉ xoay quanh một nhân vật chính cùng với một vấn đề chính xây dựng lên một cốt truyện chặt chẽ, mà còn là những nhân vật phụ cùng với những câu chuyện nhỏ của riêng họ góp phần hỗ trợ cuộc hành trình của nhân vật chính.
2. “Đâu là một nhân vật ở phe chính diện mà bạn không thích? Tại sao? Nếu được tặng một món quà cho nhân vật đó, bạn sẽ chọn thứ gì?”
Có lẽ đa phần người đọc đều đã quá quen với việc được hỏi về một nhân vật yêu thích trong một cuốn sách mà họ đã đọc. Vậy còn một nhân vật “đáng ghét” thì sao? Ta có thể thích một nhân vật bởi nhiều lý do rõ ràng: ngoại hình, tính cách, một hành động nghĩa hiệp, hay chỉ đơn giản là vì họ nằm ở phe chính diện. Nhưng để “không ưa” một nhân vật anh hùng nào đó, bạn thường chỉ có thể tự mình đào sâu vào cốt truyện và tìm ra những mặt tối của nhân vật đó mà tác giả không cố ý thể hiện ra rõ ràng.
3. “Nếu được quyền viết tiếp câu chuyện, bạn sẽ muốn thêm vào những sự kiện nào?” Sách là do tác giả viết nên, nhưng trí tưởng tượng hoàn toàn là của người đọc. Qua ngôn từ, chính chúng ta là người tự vẽ lên trong tâm trí một cuộc hành trình, một thế giới mới. Nếu đã thấm nhuần một cuốn sách và yêu thích nó, vậy thì còn ngại gì mà không tự mình viết tiếp câu chuyện theo cách bạn muốn, hay thậm chí là tạo ra một kết thúc mới, một kết thúc tượng trưng cho lẽ sống của bản thân bạn.
4. “Chọn một nhân vật bất kỳ ngoài nhân vật chính. Câu chuyện sẽ thay đổi như thế nào nếu được kể từ góc nhìn của nhân vật đó?”
Mọi điều trong cuộc sống này đều nên được nhìn qua nhiều lăng kính khác nhau, và sách cũng không phải là ngoại lệ. Ta chỉ thật sự thưởng thức cuốn sách khi ta biết cách đồng hành cùng các nhân vật dù chính hay phụ, hiểu được những tâm tư xúc cảm của họ.
5. “Tiêu đề của cuốn sách có mối liên quan gì tới nội dung? Nếu được đặt một tiêu đề khác cho tựa sách, bạn sẽ chọn gì?”
Tiêu đề luôn là thứ đầu tiên bạn đọc khi bắt đầu một cuốn sách. Nó có thể là tên nhân vật, nó có thể là một câu từ được lặp lại xuyên suốt cuốn sách, hay là một sự kiện cốt lõi tác động đến cả một cốt truyện. Để biết được tác giả đặt tiêu đề như vậy là có ý đồ gì, bạn phải hiểu cả cuốn sách, và đừng ngại đặt một cái tên khác từ chính trải nghiệm của bản thân.
Đây tất nhiên chỉ là một vài gợi ý những câu hỏi cho đa số các loại sách ai cũng có thể tìm được. Nhưng chính bạn mới là người hiểu rõ nhất những gì bản thân đã trải nghiệm để có thể đặt ra những câu hỏi sâu sắc nhất rồi đào sâu vào từng tầng ý nghĩa của cuốn sách.
Hãy nhớ rằng phải luôn ngắm nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau và để cho trí tưởng tượng dẫn lối bạn đến với thế giới tuyệt vời của ngôn từ.
Nguồn: Bookiee.org

Add Comment