Truyện ngắn Trần Bảo Định: Cô Hai rạch Quản Lộ

Trời tù mù trong đêm con nước rong!

Lưa thưa mấy cái chòi mọc lúp xúp trên cánh đồng sậy, người Pháp thường gọi “Plaine des Roseaux”, tiếng côn trùng đua nhau hòa nhạc đệm câu hò:

Bạc Liêu là xứ cơ cầu

Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu.

(Ca dao)

ngân ngân đêm dài thanh vắng.

– Tội nghiệp cô Hai!

Bà Tám chép miệng, nói thầm.  Nghe tiếng vợ trở mình, giọng ông Tám nhừa nhựa, ngái ngủ:

– Đêm còn sớm, ngủ đi mình!

– Sớm nỗi gì mà sớm!

Mỗi lần nghe tiếng cô Hai hò khi ghe chở hàng chèo qua ngang chòi thì trời gần sáng. Ông Tám lồm cồm ngồi dậy, quơ tay kiếm lửa mồi con cúi. Bà thức dậy theo, lui cui lo nấu cơm sớm ăn ba hột dằn bụng, rồi chờ khi trời hừng đông thì vợ chồng cùng ra đồng. Rơm bén lửa, ánh lửa bừng cháy soi rõ mặt, lồ lộ vết thời gian cắt cứa vầng trán cơ cực, da nhăn nheo lam lũ… Quanh năm chúi mũi mần mướn.

truyen-ngan-tran-bao-dinh-co-hai-rach-quan-lo

Nhà văn Trần Bảo Định

Bà tặc lưỡi nói bâng quơ trong ao ước:

– Vợ chồng mình, có được đứa con gái cỡ như cô Hai thì đỡ biết mấy!

Thuận tay, bà cho bếp lửa ăn thêm rơm; ông ngồi uống nước trái bình bát xắt lát phơi khô thay trà. Buồn miệng, ông bà nhắc tới nhắc lui chuyện đời xưa; cạn chuyện đời xưa, ông bà bắt qua nói chuyện hồi nãy. Ông cho rằng, tiếng hò lúc đêm hôm là của cô Hai Long Mỹ chèo ghe bán khóm cầu Đúc. Bà quả quyết:

– Cô Hai rạch Quản Lộ bán muối, chớ cô Hai nào Long Mỹ bán khóm Cầu Đúc.

Rồi, bà trách cứ chồng:

– Già có tật không bỏ, “tài lanh lấy râu ông nầy cắm cằm bà nọ”.

Như thể “mách có chứng”, bà lôi chuyện hồi nẳm lúc còn ở Cần Đước chưa bỏ xứ đi. Hôm cúng Việc Lề nhận họ, ông “cãi chầy cãi cối” với thằng Chín “nước mặn” về địa danh Ngã Bảy, thiếu điều “tanh bành té bẹ” bữa nhậu. Sau nầy đói quá, lần mò xuống Ngã Bảy mướn ruộng Hội đồng Hoạch mần tá điền, ông mới vỡ lẽ: Ngã Bảy đó, là sông Ngã Bảy có tên chữ Thất Kỳ giang(1) miệt Cần Giờ, chớ chẳng phải Ngã Bảy xứ Phụng Hiệp(2).

Vợ chồng ăn ở mấy mươi năm không có mụn con. Nói không có mụn con là nói ẩu, bà Tám mang bầu mấy lần nhưng, lần nào thai nhi cũng chết khô trong bụng mẹ. Coi thầy, thầy nói: “Tuổi vợ chồng chẳng đặng hào con”. Đôi khi thấy chồng ngồi uống rượu một mình, bà buồn, một nỗi buồn mọc gai, nặng trình trịch.

– Mình ơi! Mình phụ tui một tay. Mũi xuồng xé nước băng đồng theo lực chống sào trong tay ông Tám.

***

– Hai, con băm nhuyễn gan heo, củ sắn, thịt ba chỉ rồi trộn đều với bột mì, đường, tỏi… và, nhớ rắc hành phi kẻo quên.

Mắt má mù nhưng nghe tiếng động, má đoán biết sự việc như ngó thấy. Lần chưn, má ngồi bệt dưới đất, chỉ vẽ tỉ mẩn cho con mần xíu mại bán bánh tầm trên xuồng theo con nước. Hai ngắt nguyên liệu vò thành từng viên, hấp cách thủy.

Những lúc thấy con mỏi mệt, xao lòng, má thường động viên: Ở cái chốn “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh”, vậy mà, chẳng thiếu những món ăn hoặc sản vật đã vang danh(3). Má con mình gắng chịu thương chịu khó, đưa “bánh tằm xíu mại Ngan Dừa” sánh vai bằng chị bằng anh! Hai thay má làm trụ cột gia đình lúc bước vào tuổi mười ba và, cái hồn nhiên con người trong lẽ tự nhiên trời đất không có trong tâm hồn của Hai; bởi nó nếm trải vị mặn mồ hôi của người lớn chớ chưa hề nếm vị ngọt hương hoa của tuổi thơ.

Đôi mắt má bị mù sau những tháng năm bóc hành mướn ở Lộc Hòa quê ngoại. Vùng đất quê ngoại thuộc Vĩnh Châu nằm ven biển, dân sinh sống duy nhứt mỗi một nghề trồng hành tím. Gió cát, nắng nóng hừng hực, bụi đất, bụi vỏ hành, phấn hành, chất bảo quản củ, tinh dầu hành gây kích ứng phỏng giác mạc, dụi mắt, lau mồ hôi, dụi mắt bằng tay bẩn… Đôi mắt phải “tứ bề thọ địch” bởi kẻ thù là tác nhân gây mù lòa.

Trước khi Hai chèo xuồng ra Ngan Dừa cho kịp buổi chợ sớm, lúc nào má cũng đứng trên bến nhắc vọng xuống:

– Rau húng, rau thơm, cải xà lách… có đủ chưa? Nhớ, giá trụng, dưa leo băm sợi và đừng quên chan nước cốt dừa… Có vậy, khách ăn mới ghiền bánh tằm nhà mình, nha con!

– Dạ!

Lúc nào tiếng dạ của con Hai cũng liến thoắng rớt lại sau lái, xuồng ra sông xa bến mấy sào mặt trời mọc ban mai.

2

Bây giờ, bạn hàng chợ Ngan Dừa gọi con Hai bằng tiếng gọi thân tình: “Cô Hai!”.

Như nước lớn, nước ròng, cô Hai sáng ra chợ bán bánh tằm xíu mại, trưa về nhà se sợi bánh tằm. Sợi bánh cô Hai se bằng tay kích cỡ không đều, sợi bột “em em” bằng và giống con tằm, thiên hạ gọi bánh tằm. Bột làm từ gạo “một bụi đỏ”, cái giống gạo do cây lúa cấy đất ruộng có bờ chia ô ngăn nước.

Mỗi lần nhắc tía, má khóc, nhứt là về đêm. Má nói:

– Dạo đó, mắt má nhức và lồi ra, mỗi ngày tròng trắng lấn miết sang tròng đen… Lúc vạch mí mắt của má ra coi, tía con hốt hoảng!

Bà con lối xóm ai cũng nghèo, nhà mình cơm lưng ngày một bữa. Thời may, có người tốt bụng dắt tía con xuống Ngan Dừa xin “ở bạn” Cả Hẹ. Ông Cả thuận cho tía con “ở bạn lưu niên”, không “ở bạn mùa”. Sau một thời gian thuốc thang chạy chữa, “tiền mất tật mang”, má bước vô thế giới bóng tối. Ông Cả thương tình, cho mượn xẻo đất cặp kinh um tùm cây dừa nước mọc bít bùng để tía má cất chòi ở đậu.

Má khịt khịt mũi như đẩy dòng cảm xúc đang ứ đọng chảy ra ngoài.

– Lo cho vợ con có chỗ đụt nắng đụt mưa, tía con quay lại phận đời “ở bạn” để cấn trừ nợ ông Cả. Suốt ngày, tía con đào đất be bờ bao ruộng ngăn nước(4) trên cánh đồng đất thấp, nhiều trũng. Người ta nói: “Từ vô lượng kiếp tía con là con cồng cộc!”.

Mấy năm “ở bạn” mần cật lực, tía cô Hai trả dứt nợ Cả Hẹ. Ông Cả thích người chí thú làm ăn, mách nước tía cô Hai theo học nghề rèn đang thịnh hành ở Ngan Dừa. Một bễ lò nho nhỏ ra đời trên cục đất ăn nhờ ở đậu. Đôi mắt mù của người vợ như sáng ra và tiếng cô Hai rao hàng: “Bánh tằm xíu mại, nước cốt dừa… đ… â… y…”, nghe ngọt lịm, phát thèm ăn!

Công việc đang “ăn nên làm ra”, Tây đem chiến tranh quậy dòng kinh Ngan Dừa chảy ra kinh xáng Cà Mau – Bạc Liêu dậy sóng.

Tía má cô Hai bị Tây bắn chết vào ngày 26 tháng 3 Âm lịch, ngày giỗ tổ nghề rèn. Bởi, thằng thông ngôn nói thế nào đó, khiến bọn Tây nghi ngờ bễ lò: Rèn phảng, dao, liềm… tiếp tế võ khí cho những người đang tụ tập trong rừng U Minh chống “nước Đại Pháp”. Hôm đó, cô Hai chèo ghe bán bánh tằm không có ở nhà nên thoát chết.

***

Bỏ xứ Ngan Dừa, cô Hai về rạch Quản Lộ tá túc với chị Năm, bạn hàng bán muối trên sông.

– Cô Hai nghỉ luôn nghề xe bánh tằm, vò viên xíu mại, à?

Chị Năm hỏi trong sự tiếc rẻ.

– Mỗi lần ngồi se bánh tằm, em nhớ tía má chịu khôn nổi. Đành bỏ thôi, chị ơi!

Giọng cô Hai nấc nghẹn, buồn chờn vờn chực chờ bật thành tiếng khóc. Những lúc “trái gió trở trời”, cô Hai thấm lạnh nỗi bơ vơ thân phận kẻ mồ côi:

Có cha có mẹ thì hơn

 Không cha không mẹ như đờn đứt dây.

(Ca dao)

Cô Hai chuyển nghề theo chị Năm, nhận muối vựa Bạc Liêu, chèo ghe bán dạo và bỏ mối chợ Ngã Bảy. Thường khi, bà Tám mua muối của cô Hai đem vô đồng mần mắm khạp. Từ đó, hiểu nhau cảnh ngộ, chia sẻ và thân tình. Lần hồi, ông bà Tám coi cô Hai như con gái.

Ở chung với chị Năm và nhờ được đi đây đi đó, cô Hai hiểu thêm chuyện đời, chuyện người của vùng đất “đãi nhau cái nghĩa, thương nhau cái tình”. Có một thời chắc chưa xa lắm “quyền lực và kim tiền không thể đứng nơi đất rừng Cà Mau”! Hương quản Lộ(5) để lại đời sau con rạch giúp người đi lại, sinh sống; kể cả vật nuôi, cây trồng.

Bọn bối trên kinh rạch đông như rươi, cuộc sống trở nên khó khăn từng ngày. Năm sau, chị Năm đi lấy chồng. Cô Hai đứng trước ngã năm chớ chẳng phải ngã ba đường, để chọn một ngả gởi “phận hồng nhan trong cơn gió bụi”!

3

– Cô Hai ơi! Ông Hội đồng tới chơi.

Bà Tám hú hì lúc chiếc nghe lườn bốn chèo vừa cặp mép nước. Hội đồng Hoạch mặc áo dài the, quần vải sa-tanh trắng, đội nón cối ngả màu vôi mả đá, đi guốc vông, tay cắp nách cây dù, miệng ngậm ống đót hút thuốc… đứng lóng ngóng ở mui ghe chờ gia nhân cõng xuống. Căn chòi rách thiếu điều không còn chỗ rách, trở nên nhộn nhịp, tươi tắn. Cô Hai ngưng tay xe sợi bánh tằm, bước ra bến cúi đầu lễ phép chào ông Hội.

– Người nhà cả, không có chi… không có chi, em… à… cô Hai!

Ông Hội khoát tay lia lịa và cố nhấn tiếng em như chỉ dấu nhịp song lang tỏ tình thân.

– Chòi xác xơ quá, xin ông Hội châm chước sự thất lễ của vợ chồng con cái tui.

Ông Tám khép nép thưa cùng ông Hội.

Ông Hội cười toe toét, cười trơ cả nướu răng. Không đợi mời, ông Hội chủ động ngồi chò hỏ dưới đất coi cô Hai xe bột.

Cá cắn câu không ngại lưỡi vì mê mồi, người hạ mình không ngại tiêu danh vì mê ăn. Cô Hai theo cái lẽ sông nước “xuôi chèo mát mái” mà ứng xử với ông Hội. Món ăn đôi khi khiến người ta nhớ hơn nhan sắc. Cô mần lại món ăn của má “Bánh tằm xíu mại”, ông Hội ăn đã miệng hít hà, tay chưn bớt suồng sã sờ mó.

Ông Hội nghĩ cô Hai là con gái rượu của tá điền Tám, từ quê Cần Đước xuống phụ tía má công việc đồng áng. Ba mùa lúa, ba mùa Hội đồng Hoạch lảng lảng việc thu lúa ruộng. Tuy vậy, ông Tám vẫn đóng đủ không thiếu ông Hội hột lúa nào.

– Tám nầy, mùa sau cần thêm ruộng, tui cho!

Ông Tám đứng xớ rớ, mần thinh. Hội đồng Hoạch tưởng người tá điền của mình ngán “thuế ruộng”.

– Làm nhiêu ăn nhiêu, miễn đong lúa ruộng cho tui.

Ông Hội đồng bập bập ống đót, khói thuốc không bay lên, nó bay là đà xuống đất giống như lượm bạc cắc!

Mỗi tháng, ông Hội ghé chòi ông Tám thăm cô Hai một lần theo con nước Mười Bảy. Và, cũng chỉ có ngày Mười Bảy “nước nhảy khỏi bờ”, ghe ông Hội mới đủ sức trườn vô mép chòi của ông Tám nằm lút chét trong sở ruộng. Mấy lần ông Hội “nhờ cô Hai” nói tía má dời chòi ra mé kinh cất nhà “ba gian chữ đinh”, sở hụi bao nhiêu, qua tính cho. Những lần như vậy, cô Sáu cười thầm trong bụng “mèo mà thương chuột”!

Cô Hai dư biết Hội đồng Hoạch tuy mê ăn bánh tằm xíu mại nhưng không bằng mê ăn thân xác của cô; mượn cái “mê ăn” đó, mỗi lần ông Hội tới chơi, cô thường khích lệ đôi lời:

– Mang danh ác nhưng, việc làm thiện thì, người đời không lãng quên. Đã là Hội đồng xứ nầy, chắc ông Hội rành chuyện Quản Lộ… Sau khi chết, dân lấy tên Quản Lộ đặt tên con rạch.

Nhìn sắc mặt ông Hội bần thần, cô Hai bồi tiếp:

– Dù phải là con tép không có gan, không có xương sống đứng thẳng và cứt lộn lên đầu thì ít nhứt, cũng phải thức thời biết búng thụt lùi và lẹ như tép! Chả lẽ, mần thinh trước tình cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” cứ nhùng nhằng kéo dài lê thê mãi?

Giọng cô Hai thỏ thẻ, ông Hội mơ hồ nghe, muốn giận không giận được. Thình lình cô Hai, hỏi:

– Ông Hội, sao ông tốt bụng với tui quá?

– Không tốt với em thì qua tốt với ai?

– Sao ông Hội không tốt với những tá điền nghèo khó khác? Có nhiều gia đình bữa đói bữa no, nhịn cơm để gạo đong lúa ruộng.

– ???

Da mặt ông Hội dày hơn mọi khi và cô Hai có cảm giác, da mặt ông Hội giông giống da trâu!

***

– “Ai ăn bánh tằm xíu mại nước cốt dừa… cải xà lách… h… ô… n…”!

Tiếng cô Hai rao hàng mời gọi vang vang xa, người nghe bắt thèm ăn món ăn dân dã quê nhà.  Hội đồng Hoạch mấy năm đeo càng theo cô Hai, càng sứt gọng, cô Hai thì “trắm trơ trắm trất”.

Hội đồng Hoạch kiếm chuyện lấy lại ruộng không cho ông bà Tám mần. Cô Hai quay lại nghề bán bánh tằm giúp ông bà Tám những lúc “nay ốm mai đau”. Và, cô Hai lo một ngày không xa, ông bà Tám bị bắt buộc dỡ chòi trả đất ở đậu cho ông Hội. Việc gì, Hội đồng Hoạch chẳng dám làm một khi sự ham muốn của ông ta không được đáp ứng. Chẳng là, ông Hội thường rêu rao “cá lội nước, chim đậu đất ông Hội là của ông Hội. Tụi bây đừng chàng ràng nghĩ, rằng chim trời cá nước thằng nào bắt được nấy ăn”.

– Khuya rồi, ngủ đi cô Hai!

Bà Tám từ trong cái nốp nói ra, lớp bàng đương đệm dày cui nên chặn tiếng, âm phát sột soạt rè rè.

Cô Hai nằm gối đầu lên cánh tay, tự an ủi:

– Con kinh Quản Lộ – Phụng Hiệp quam quam mấy đoạn chạy qua Long Mỹ – Sóc Trăng1, rồi thẳng như ruột ngựa lúc chạy qua Bạc Liêu; tới gần thành phố Cà Mau nối rạch Quản Lộ, nó cong như cặc bần cong khi bị sóng đánh dồn dập rồi đổ nước ra sông Gành Hào.

Cô Hai sực nhớ hồi má còn sanh tiền, thường nói: “Sông có khúc, người có lúc”.

“Người có lúc”!

Cô Hai, hoàn toàn tin như vậy!

TRẦN BẢO ĐỊNH

__________________________

  1. Năm 1782, Nguyễn Huệ dùng hỏa công tiêu diệt trên 400 chiến thuyền của quân Nguyễn Ánh do tướng Tống Phước Thiêm thống lĩnh và bốn chiếc tàu Pháp, do Manuel chỉ huy (Manuel chết thiêu cùng tàu).
  2. Ngã Bảy, nơi hội tụ các mối sông rạch, kinh xáng: Sông Cái Côn, sông Búng Tàu, rạch Mang Cá, rạch Lái Hiếu, xẻo Môn, xẻo Dong, kinh xáng Phụng Hiệp – Sóc Trăng.
  3. Than Năm Căn, than Tân Bằng, chiếu Tân Duyệt, ba khía Rạch Gốc, cá thác lác Cái Tàu, sấu Đầm Bà Tường, rau cải Cái Keo, mật U Minh…
  4. Theo dân gian bổn xứ Ngan Dừa thì, chữ Ngăn đọc trại ra Ngan và lâu ngày thành chính danh. Từ đó, địa phương có nhiều tên gọi khởi đầu chữ Ngan, như: Ngan Vọp (nhiều Vọp), Ngan Trâu (cầm trâu nhiều), Ngan Mồ (nhiều mồ mả), Ngan Kè (nhiều cây kè cùng họ dừa cạn).
  5. Hương quản: Chức việc đứng thứ 7 trong Ban Hội tề làng, xã, còn gọi “Hội đồng làng”, gồm 12 vị: Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương bộ, Hương giáo, Hương quản, Hương thân, Xã trưởng, Hương hào, Chánh lục bộ (Nghị định ngày 27 Aout, 1904 của nhà cầm quyền Pháp). Theo “Pháp chế sử Việt Nam”, GS. Vũ Quốc Thúc, Tủ sách Đại học, Sài Gòn 1966.
  6. Xem thêm: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, giới thiệu tác giả
  7. Nguồn Vanhocsaigon.com

Add Comment