Bàn về những nhân vật phụ trong “Bắt trẻ đồng xanh” – thầy Antolini và cô bé Phoebe

Có câu trả lời nào cho giấc mơ mà “Bắt trẻ đồng xanh” vẽ nên không? Có câu trả lời nào cho sự hoang mang của cái tuổi Holden hay một ai đó sẽ trưởng thành?
Có, đó là lý do tôi nhắc đến thầy Antolini và cô bé Phoebe.

ban-ve-nhung-nhan-vat-phu-trong-bat-tre-dong-xanh-1

Xem thêm:

Tôi luôn nói mình không ấn tượng nhiều về Holden; so với Holden, tôi đặc biệt cảm giác phấn khích hơn với ông thầy Antolini và em gái cậu, Phoebe.

Holden luôn rất tự phụ, tự phụ đến mức gần như cô độc. Cậu không bao giờ tâm sự chuyện đời tư của mình quá nhiều, nhưng có hai người khiến cậu thật sự “ưa nói”: người đầu tiên đương nhiên là Phoebe, còn lại là ông giáo Antolini này. Đơn giản, ở Antolini hay Phoebe đều hiện diện một thứ Holden luôn tìm kiếm, chính là câu trả lời về sự tử tế.

Antolini là ai?

“Ổng là người độc nhất cuối cùng đã bế xốc cái thằng nhảy ra ngoài cửa sổ, thằng Castle…”

Đây là một ông thầy tôi cho là rất uyên bác, có học vị và khá khiêm cung. Antolini hoàn toàn khác biệt những ông thầy tôi bắt gặp trong câu chuyện của Holden, như Vinson, Spencer,… Không phải ở chỗ tôi thấy ai bộ tịch hơn ai, mà Antolini trước hết là một ông thầy không có cái nhìn định kiến với học trò. Thầy ấy không công khai phủ đầu Holden khi cậu liên tiếp thi rớt và bị đuổi học. Thay vì chỉ trích và phán xét Holden, Antolini rất bình tĩnh, cởi mở nói chuyện với cậu. Chính cách cư xử hòa nhã đó, nó giúp ta vỡ lẽ ra rất nhiều những khía cạnh đằng sau Holden – nếu cái chúng ta nhìn thấy là một Holden luôn có cảm giác cậu sẽ biến mất:

“Tôi cứ đi tuốt Đại lộ Năm… Cứ mỗi lần đi đến cuối ngã tư và bước xuống khỏi lề, tôi lại có cảm giác rằng tôi sẽ không bao giờ đi qua bên kia đường cả. Tôi nghĩ tôi sẽ chỉ đi xuống, đi xuống mãi.”

Thì Antolini sẽ phỏng đoán nó: “Tôi nghĩ rằng cái dốc mà chú đang lăn xuống là một thứ dốc khủng khiếp. Không bao giờ người xuống dốc được nghe hay cảm thấy mình chạm phải đáy hố. Họ cứ việc lăn xuống, lăn xuống.”

Nếu cái chúng ta nhìn thấy là Holden liên tục bị đuổi khỏi các ngôi trường, liên tục gặp gỡ những người cậu quen biết, liên tục quan sát xung quanh mình,… thì Antolini, thầy ấy tiếp tục lý giải: “Cái dốc ấy dành cho những người, vào một lúc nào đó trong đời, đi tìm một cái gì mà hoàn cảnh và những người xung quanh không thể đem lại cho họ, hay họ nghĩ là không thể đem lại cho họ.”

Ở đây, cái hay của Antolini là thầy không giống chúng ta, ông không theo chân Holden sát từng bước, cũng không đọc được toàn bộ suy nghĩ ở trong đầu Holden; ông đơn giản chỉ hỏi cậu nhóc một số những câu hỏi, thế nhưng tất cả những điều chính Holden hay chúng ta không đoán được, ta nhận ra Antolini biết cách kết luận nó.

Antolini đặc biệt còn làm được một điều tôi nghĩ là thật sự không hiện diện nhiều lắm ở những ông thầy – đó là sự chịu khó lắng nghe học sinh. Thậm chí sẽ không khoa trương mấy khi tôi tin rằng, không, không chỉ có mỗi Holden tìm thấy điều gì đó ở cái ông thầy ấy, mà chính Antolini, ngược lại cũng khám phá ra ở Holden khá nhiều điều. Hay nói một cách khác, sánh cạnh Antolini, Holden không đóng vai một đứa trẻ bị động, và Antolini cũng không ở vị thế của một người chủ động hoàn toàn.

*

Tại sao Antolini là một trong số hai nhân vật tôi luôn coi trọng?

Không biết các bạn có giống tôi hay không, có hai thời điểm tôi đọc cuốn sách này và bất chợt muốn khóc. Lần đầu tiên là khi tôi hiểu nỗi sợ của Holden thật sự mang ý nghĩa thế nào. Lúc đấy khóc đơn giản vì tôi biết, dù rõ ràng rất muốn nói một điều gì đó để cổ vũ cậu ta, song tôi đã không làm được. Điều duy nhất tôi nghĩ đến chỉ là, Holden nói đúng, trưởng thành là một quá trình mà ta không cách gì còn có thể nguyên vẹn như trước nữa! Đâu đó ngọn lửa bên trong tôi nguội dần, nguội dần…

Lần thứ hai, đó là khi tôi nghe thầy Antolini phân tách: “Cũng như một ngày kia, nếu chú có cái gì để dâng hiến, thì một người nào đó sẽ học được một điều gì nơi chú.” Antolini làm tôi hơi vỡ òa, vỡ òa bởi tôi tin Bắt trẻ đồng xanh hoàn toàn không điên rồ, và tương lai của Holden cũng không hoàn toàn là một cái gì đó mờ mịt. Phải, chính Antolini ở chỗ này đã thay chúng ta viết tiếp cái giấc mơ Holden sẽ đứng bên vách núi, bắt từng đứa trẻ sẽ rơi xuống đáy vực. Bằng cách thầy ấy đã gợi ý cho Holden rất tỉ mỉ rằng – chỉ cần Holden tiếp tục tin tưởng vào trường học, Holden không những có thể tìm thấy thứ hiểu biết sưởi ấm được trái tim của cậu, mà cậu còn có thể tận dụng sự hiểu biết của mình để giúp đỡ ngược lại những người khác.

Trưởng thành là một quá trình mà ta không cách gì còn có thể nguyên vẹn như trước nữa!

Đâu đó ngọn lửa bên trong tôi nguội dần, nguội dần…

Dĩ nhiên hiện diện ở đây một vấn đề, liệu Holden có thật sự tiếp thu những điều Antolini đang cố gắng hướng dẫn? Tôi nghĩ, có lẽ, tồn tại một khả năng rất cao là có. Ta nhận ra Holden hội tụ vừa đủ các điều kiện, ngoài có thừa thông minh lẫn sự nhạy cảm – giống Antolini đã nói – cậu còn là một đứa trẻ rất “say mê hiểu biết”. Mặc dù ngoài miệng Holden luôn tỏ ra như không hoàn toàn lắng nghe thật kỹ càng bất cứ điều gì. Thế nhưng ta vẫn biết Holden có để tâm. Bởi vì cậu là một người rất chú trọng tiểu tiết, tiểu tiết xuất hiện khắp nơi trong câu chuyện cậu kể chúng ta nghe. Ngược lại, nhìn nhận Antolini, chúng ta phát hiện ra Antolini đại diện cho khá nhiều chuẩn phong cách:

1. Khi thầy ấy nói với Holden: “Chú không phải người đầu tiên đã từng hoang mang, giật mình hay kinh hãi cả đến nôn mửa vì cách xử sự của người ta.” Antolini không nói về chính thầy, tuy nhiên ta chắc chắn, ta có thể xem Antolini như một nguyên mẫu gốc trong số nhiều, rất nhiều người đã từng dao động.

2. Chúng ta say mê lắng nghe Antolini là vì chúng ta hiểu tầm hiểu biết của Antolini thật sự rất rộng. Khi Antolini công nhận và tin tưởng Holden sẽ vượt xa khỏi các ông Vinson hay các thứ diễn thuyết, ta biết Antolini có cơ sở để tin vào điều ấy. Có thể, ta đã luôn bất ngờ về một thằng nhóc tên Holden, nhưng ta càng bất ngờ hơn về một ông thầy (vừa khiêm cung, vừa thông minh, vừa sáng tạo) có thể giải mã và đưa ra được lời khuyên tốt nhất cho cái thằng nhóc đấy. Nếu Holden cảm thấy đổ vỡ vì những góc tối hiện diện nơi hệ thống giáo dục, thì Antolini là một người có thể đại diện cho cái góc sáng trong chính hệ thống giáo dục đó. Ông ta chân thực là một trong số “một vài người đã ghi lại những khó khăn”, cũng là người mà Holden có thể học hỏi. Đó là lý do Antolini thuyết phục được Holden.

Tuy nhiên, Antolini không hoàn toàn là người thay đổi Holden ngay lập tức (không hẳn vì đêm đó, ông thầy đã vuốt đầu Holden. Chính Holden cũng không chắc hành động này mang ý nghĩa gì, chúng ta càng không thể đoán chắc). Chỉ là, có lẽ ở chỗ của Antolini, cái Holden tìm được gần như chỉ là một lời gợi mở mà thôi. Một sự gợi mở sâu sắc tới nỗi nó khiến chúng ta tin, những lời Antolini chia sẻ sẽ theo chân cậu, theo sát chân chúng ta suốt đời.

ban-ve-nhung-nhan-vat-phu-trong-bat-tre-dong-xanh-3

Vậy thì ai mới là người chân thực nhất khiến Holden lay động?

Đáp án không ai khác ngoài Phoebe!

Tuy khoảnh khắc Phoebe xuất hiện ở những chương cuối chứ không phải trong hồi ức của Holden, tôi luôn cho rằng Phoebe đóng một vai trò rất lớn trong cuộc đời thằng nhóc. Phoebe không giản đơn là một đứa em được Holden vô cùng yêu quý và nuông chiều, mà còn hiện diện sống động như một bản sao nhí của chính Holden nữa. Phoebe khá đa cảm (Em đa cảm lắm. Ý tôi là em rất đa cảm đối với một đứa bé. Đôi khi em quá đa cảm). Cô bé cũng dễ nhạy cảm luôn luôn với những thứ rất bình thường:

“Bữa ăn tối của con ra sao?”

“Mắc dịch”, Phoebe nói.

“Con đã nghe ba con mắng về chuyện xài chữ ấy rồi. Cái gì mắc dịch? Con có thịt sườn. Má đã đi tuốt xuống đường Lexington để…”

“Thịt sườn không sao cả, nhưng Charlene luôn luôn thở vào đầu con mỗi khi chị ấy để cái gì xuống. Chị ấy thở vào hết tất cả món đồ ăn và các thứ. Chị ấy thở vào mọi thứ.”

Không những chỉ nhạy cảm, thỉnh thoảng em cũng xài vài ngôn từ dịch hạch giống Holden. Em thông minh, nhạy bén với các bộ môn nghệ thuật không khác anh trai mình. Dĩ đương nhiên, cả cái cách em xách va li bỏ nhà theo Holden, em quyết định nghỉ học cũng thế. Bởi vì Phoebe là phiên bản nhí của Holden, cho nên trong cuộc truyện trò của hai đứa trẻ ấy, ta nhận ra Phoebe làm khơi dậy được bên trong Holden khá nhiều những góc cạnh.

Đầu tiên, quan sát suốt quá trình hai anh em bên cạnh nhau, ta để ý dường như chân thực nổi bật lên ở đây hình ảnh của một Holden rất trái ngược với cái dáng vẻ đầy bất cần ta vẫn thường hay thấy. Holden ấm áp hơn, cậu biết cách kiểm soát ngôn ngữ lẫn hành vi của mình, cân nhắc đâu nhẹ và đâu nặng. Những điều này thể hiện thông qua thái độ cậu uốn nắn Phoebe – “Đấy không phải là một lý do để đổ mực vào” – lúc Phoebe lý giải nguyên nhân tại sao em vấy mực lên áo đứa bạn. Thể hiện thông qua sự giận dữ của cậu – “Nào, đi. Anh sẽ dẫn em trở lại trường học” – ngay khoảnh khắc Phoebe nói với cậu em quyết định bỏ học để cùng đi theo cậu dù phải tới bất kỳ đâu. Thông qua cái cách cậu đấu tranh với em, rồi hứa sẽ quay trở về nhà.

Sự đối nghịch ấy nói lên điều gì? Chính Phoebe, em làm lớn dậy được năng lực dám chịu trách nhiệm (cũng đồng thời là bản năng) của một người anh trai bên trong Holden. Một đứa trẻ, có thể không biết bỏ học đối với bản thân sẽ tai hại ra sao, tuy nhiên chắc chắn nó biết bỏ học đối với em gái mình thì sẽ gây ra hệ lụy lớn thế nào. Thế cho nên thay vì tiếp tục trốn tránh phải đến trường, ta thấy nó chọn không để hình ảnh của bản thân trở thành một tấm gương xấu cho em gái. Chính quyết định cực kỳ quan trọng ấy cứu nó, cứu em gái nó. Người ta thường nổi loạn hoặc tỏ ra bất cần với cuộc sống mình, duy sự nổi loạn ấy sẽ dừng lại vào cái ngày mà họ hiểu, cuộc đời họ là một chuỗi những sợi dây liên kết với những người họ đặc biệt yêu quý, và họ có trách nhiệm với không chỉ mỗi bản thân mình, mà còn với những mắt xích đó (chẳng hạn như cha/ mẹ họ, em gái họ, con cái họ…).

Thứ hai, Holden là một thằng nhóc ưa mâu thuẫn nhất bạn từng gặp, bạn nghe nó nói về tất cả những chuyện trên trời dưới biển, bạn tưởng Holden biết rất rõ bản thân mình, thế nhưng không, cậu ấy không biết gì hết cả. Thực ra, nói đúng hơn thì không phải Holden không hiểu mình muốn gì, ngược lại, cậu hình dung khá rõ thứ cậu luôn khao khát vươn tới. Tuy nhiên thay vì đối diện với bản thân, đi tìm câu trả lời xem liệu mình có phải một trong số những thằng bộ tịch không, Holden chọn bỏ cuộc ngay cả trước khi cậu thực sự bắt đầu, cậu “muốn chết một cách cao thượng vì một sự nghiệp”… Rồi cậu bắt gặp chính cậu trong hình ảnh của Phoebe. Cậu muốn thôi học, và Phoebe cũng thế. Phoebe khiến cậu phải ít nhiều tự soi lại bản thân.

Người ta thường nổi loạn hoặc tỏ ra bất cần với cuộc sống mình, duy sự nổi loạn ấy sẽ dừng lại vào cái ngày mà họ hiểu, cuộc đời họ là một chuỗi những sợi dây liên kết với những người họ đặc biệt yêu quý.

Khi Holden nói, “Anh sẽ về nhà. Anh sẽ về nhà ngay khi em đi học” – có bao nhiêu phần trăm thằng nhóc thốt lên lời hứa ấy vì Phoebe, có bao nhiêu phần trăm Holden vì chính mình? Tôi không biết, nhưng tôi dám cá, vào lúc Holden khăng khăng hứa, cậu ta đã lần đầu tiên dám trực diện nhìn thẳng vào bản thân!

*

Quay trở lại, nếu chúng ta vẫn còn nhớ đến câu của thầy Antolini:

“Một khi đã vượt qua được tất cả những ông Vinson, chú sẽ bắt đầu tới ngày càng gần hơn – ấy là nếu chú muốn, và nếu chú tìm kiếm nó và trông chờ nó – thứ hiểu biết làm trái tim chú rất, rất âu yếm.”

Ta sẽ nhận ra cái Holden đi tìm không hẳn hoàn toàn thuộc về nơi giáo dục, cái thầy Antolini tư vấn cho Holden cũng vượt xa giáo dục, và cuối cùng – có những sự hiểu biết cũng thế!

Trong câu chuyện về Holden, ý nghĩa thật sự của trưởng thành vốn không nằm ở chỗ bản chất con người sẽ thay đổi, nó nằm ở việc quá trình trưởng thành luôn được đánh dấu bằng khoảnh khắc ta bằng lòng gánh vác trách nhiệm trên vai mình. Chúng ta hình dung đến hai chữ trách nhiệm, cảm tưởng nó nặng hơn hàng vạn tấn sắt, đá trong đời. Kỳ thực nặng nhẹ không phụ thuộc vào trọng lượng của những tranh đấu, va vấp, đổ vỡ ta bắt gặp sau này. Bởi vì nếu chúng ta đem đặt những đắng cay, va vấp ấy lên một đầu bàn cân, còn đầu bên kia là cảm tình chúng ta tha thiết dành gửi đến ai đó, ta biết ta có thể vượt qua được cả bản thân mình. Kim chỉ lệch về phía mà ta thật sự trân trọng.

Đó là lý do cuốn tiểu thuyết khép lại, ta thấy Holden hơi nghẹn ngào:

“Có thể nói là cái mũ săn đã chở che tôi rất nhiều… Tôi suýt khóc lớn lên nữa, vì tôi cảm thấy sung sướng… Tôi cũng không hiểu tại sao. Chỉ vì em thật dễ thương như thế kia…”

Bằng một cách nào đó, Antolini đã luôn ủi an và chỉ dẫn cả Holden lẫn chúng ta. Thầy làm chúng ta thốt nhiên muốn mỉm cười. Mười bảy tuổi – ta biết Holden không chỉ lớn, cậu bắt đầu trở nên hiểu biết hơn.

Có lẽ, Phoebe chính là đứa trẻ đầu tiên được Holden cứu, cũng đồng thời ngược lại, chính nhờ Phoebe mà Holden không sa mình xuống vực. Nếu nói Antolini là người có thể vẽ ra cái viễn cảnh hiện diện một Holden ở tương lai vừa thành tựu, lại vừa tử tế; thì Phoebe, em là người khơi dậy được chân thực hình ảnh một Holden tử tế ở khoảng cách rất gần mình, ngay phút giây mà ai cũng hiểu – hoàn toàn hiện tại.

Quá trình trưởng thành luôn được đánh dấu bằng khoảnh khắc, ta bằng lòng gánh vác trách nhiệm trên vai mình.

Hết.

Người Giao Bánh / Bookish.vn

Add Comment