3 lỗi UX “giết thiết kế” thường gặp

Đừng bao giờ mong có thể thỏa mãn mọi nhu cầu, mọi khách hàng với công việc thiết kế nào đó của bạn! Hơn thế nữa, client và ngay cả đồng nghiệp khác team cũng lại thường không hiểu rõ các công đoạn của thiết kế, chẳng hạn backend và UX nào phải là một? Thế nhưng họ lại cứ xem bạn như “thiên tài” nắm được tất cả, chỉ chỗ nào là chỉnh được chỗ đó ngay tắp lự.

Hình ảnh: “brain picture”. Allan Ajifo.

Khi mới làm quen với thiết kế UX, bạn chắc chắn sẽ mắc không ít sai lầm, bởi không có ai là hoàn hảo trong khi một số dự án thì cực kì phức tạp. Để củng cố lại một số nguyên tắc cơ bản, chúng tôi đã tập hợp một số lỗi thường gặp trong UX và các thủ thuật để phòng tránh sau.

#1: Thiết kế để thỏa cái tôi

Tất cả chúng ta đều không ít lần tự cho mình là thiên tài biết tuốt. Khi bạn làm việc trong ngành sáng tạo, bạn càng có thiên hướng tin tưởng mạnh mẽ vào ý kiến của mình và luôn cố gắng nhìn mọi việc dưới kinh nghiệm bản thân. Nhưng để trở thành một nhà thiết kế thành công, điều bạn nên quan tâm nhất, không phải là thể hiện cái tôi trong thiết kế của bạn mà phải đem lại trải nghiệm tốt nhất cho user.

Tất nhiên, rất khó để bạn có thể tách bạch được mong muốn của bản thân với nhu cầu của user. Người thiết kế gần như coi sản phẩm của họ là những đứa con tinh thần vậy, nhưng quan trọng là phải biết gắn trách nhiệm của “bậc làm cha mẹ” đó với user, không phải với cái tôi của bạn.

Cách tốt nhất để cân bằng lại là phân tích sản phẩm của người khác. Website BBQ Cultures của Weber Grills là một ví dụ tốt cho kiểu thiết kế rất tự tin mà vẫn hướng được đến nhóm đối tượng quan trọng:

Hình ảnh: BBQ Cultures

Hình ảnh: BBQ Cultures

Tone màu sậm, hình ảnh độ nét cao, đoạn intro video hùng hồn kết hợp giọng diễn viên đầy nam tính. Trang này còn đem lại sự thú vị cho user khi sử dụng những thanh trượt để mở lò nướng làm lộ ra những miếng thịt xông khói. Phong cách mad-libs này là sự lựa chọn hoàn hảo cho nhóm đối tượng nam giới mà Weber Grills hướng đến.

Website này này hiểu được sức mạnh của việc sử dụng lời dẫn truyện, ở đây lấy bối cảnh là chuyến đi cắm trại giữa một nhóm bạn bè. Nó cũng chú trọng đến các tip thiết kế khác: độ dài hiệu ứng chuyển động và video ở mức đủ để gây thú vị cho người xem, sau đó, sử dụng các hình minh hoạt giải thích cách sử dụng lò nướng.

Hình ảnh: Google Mobile Friendly Test Tool

Hiệu ứng phong phú mà vẫn bám sát vào thông điệp cần truyền tải, BBQ Cultures còn cung cấp một trải nghiệm nhất quán trên tất cả các thiết bị. Website đạt được điểm xuất sắc trong việc tối ưu hóa trên các thiết bị di động khi đánh giá bằng Google Mobile Friendly Test Tool.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể rút ra một số thủ thuật trong quá trình thiết kế:

1. Luôn đặt mình vào vị trí của user ở trong suốt quá trình nghiên cứu

2. Thiết kế con đường trải nghiệm khác nhau cho những nhóm user khác nhau.

3. Tượng trưng hóa các nhóm user để hiểu những user khác nhau sẽ di chuyển giữa các trang như thế nào và họ thật sự muốn gì từ website và doanh nghiệp.

4. Xác định các vấn đề khi thiết kế UI để tạo giao diện mẫu phù hợp với UX.

5. Thử nghiệm trên càng nhiều thiết bị càng tốt. Nếu là một dự án lớn, hãy cân nhắc đến việc làm nghiên cứu thực tế mang tính xác thực cao (có kiểm duyệt hoặc không kiểm duyệt)

6. Thực hiện A/B testing để kiểm tra nhiều yếu tố trong thiết kế như màu sắc, nút, chữ và hình ảnh,…

#2: Nhầm lẫn giữa UX và UI

Nhầm lẫn UI và UX là chuyện phổ biến, có lẽ là vì cả hai khái niệm này đều hướng tới việc “làm mới cái gì đó” và chữ viết tắt cũng từa tựa nhau; thêm vào đó, hai gã này thực sự rất liên quan đến nhau. UI giải quyết các vấn đề tương tác trên giao diện với user, bản chất đó là một phần của tổng thể UX.

Nhưng trong khi UI chỉ là về bấm nút nào và sẽ đi đến đâu, UX liên quan đến cảm nhận của user về tổng thể thiết kế.

Tóm lại, thiết kế UI là tạo ra các giao diện quyến rũ và hiệu quả, giúp cho user có những trải nghiệm tổng thể tốt.

Hình: Hello Erik

Quay lại quan điểm đã đề cập, cần kiểm tra tính khả dụng để chắc rằng bạn vẫn bám sát vào trải nghiệm tổng thể khi thiết kế giao diện. Đừng có quá chú trọng vào thiết kế hoa mỹ! Trước khi động tay vào Photoshop hay Sketch, cần chắc rằng bạn đã hiểu rõ vấn đề của user là gì, họ muốn gì, có mục tiêu gì, hành vi thế nào và mong đợi gì từ sản phẩm.

Nhìn hình trên, ta có thể thấy UX đòi hỏi phải nắm vững nhiều lĩnh vực. Một giao diện đẹp không có nghĩa nó sẽ đắc dụng, một giao diện hữu dụng cũng không phải lúc nào cũng được user ưa chuộng.

Trong thế giới của UX và UI, nội dung là vấn đề cần được quan tâm đầu tiên. Qua các nghiên cứu bước đầu về user, tạo bản đồ về cách trang web tương tác (user click ở đâu sẽ đi đến chỗ nào, hay thể hiện như thế nào…) để đánh giá luồng thao tác và trải nghiệm tương ứng.

Hình: UXPin via Barrel NY

Ở trên là một site map của agency thiết kế Barrel NY. Khi bạn tạo site map, cố gắng để khi click vào mỗi nhánh trên site map sẽ mở ra wireframe hoặc phiên bản mẫu của trang tương ứng. Việc này có thể thực hiện dễ dàng bằng những công cụ chuyên dụng hoặc phần mềm hỗ trợ thuyết trình.

Bằng cách cân nhắc đến nội dung trước khi vẽ giao diện, bạn nên ưu tiên lần lượt các vấn đề sau:

1. Cấu trúc nội dung

2. Thiết kế tương tác

3. Thiết kế trực quan

Quy trình này hợp lý ở chỗ nội dung sẽ quyết định nền tảng của thiết kế, đó chính là những gì user thật sự quan tâm. Thứ hai, lặp lại sự tương tác trên các nguyên mẫu với độ trung thực từ thấp đến trung bình sẽ giúp các bạn kiểm soát tốt hơn các luồng tương tác nội dung. Thứ ba (cũng thường xảy ra đồng thời bước hai), hãy tô điểm cho thiết kế trực quan để trải nghiệm trở nên như một lời mời gọi đầy thu hút.

 #3: Yêu cầu quá nhiều thông tin từ user

User thường rất lười, nên bạn bắt họ điền càng nhiều form, họ càng cảm thấy mất hứng thú.

Lấy Duolingo làm ví dụ, user chỉ cần cho biết ngôn ngữ muốn học và một số thông tin cần thiết để tạo tài khoản

Hình ảnh: Duolingo Signup form

Một nghiên cứu được thực hiện trên Imaginary Landscapes một vài năm trước đã kiểm chứng việc có quá nhiều thông tin cần nhập sẽ cản trở việc đăng kí của user. Bài kiểm chứng này đã so sánh một form có 11 trường thông tin và một form chỉ có 4 trường,

Form yêu cầu 11 trường thông tin bao gồm:

1. Tên

2. Công ty

3. Số điện thoại

4. Thành phố

5. Bang

6. Mã vùng

7. Số điện thoại

8. Fax

9. Email

10. Phương thức liên lạc

11. Nhận xét

Ở cuối form này còn có thêm một checkbox hỏi rằng user biết đến website qua nguồn nào.

Form ngắn hơn, yêu cầu 4 trường thông tin bao gồm:

1. Tên

2. Số điện thoại

3. Email

4. Nhận xét

Bạn thậm chí còn có thể rút ngắn form đăng ký này bằng cách bỏ đi số điện thoại và nhận xét (vốn dĩ 2 cái này cũng chả cần gì mấy). Tùy vào ngành nghề liên quan, số điện thoại có thể rất quan trọng để tiếp cận khách hàng, nhưng thường thì người ta rất ngại tiết lộ số điện thoại của mình để rồi nhận những cuộc gọi không mời.

Và kết quả là? Form ngắn hơn với 4 trường thông tin có số lượng user đăng kí cao hơn đến 140% so với mẫu form dài. Thêm vào đó, số lượng chuyển đổi tăng mạnh gần 120% với các form giản lược. Và những trường bị lược bỏ không gây bất kì ảnh hưởng nào đến chất lượng của chuyển đổi.

Hình ảnh: Squarespace

Để đưa ra chính xác số lượng trường dữ liệu cần thiết, bạn nên nghiên cứu user của mình và xác định chính xác những thông tin nào cần thu thập từ họ. Thực tế chúng ta cũng phải đánh đổi, đội ngũ bán hàng thường mong muốn nhiều thông tin hơn nhưng nhà thiết kế lại đấu tranh cho trải nghiệm user. Và cách duy nhất để cân bằng là thử nghiệm liên tục.

Ví dụ, Expedia cho biết chỉ cần bỏ trường thông tin Tên Công ty (mà user thường chả biết là nên nhập cái gì) đã làm doanh số tăng thêm 12 triệu USD. Những kết quả dạng này càng củng cố thêm độ hữu ích của A/B testing lên các chi tiết của các loại form nhập liệu.

Một số thủ thuật và lời khuyên khác:

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng: (dù vậy, luôn nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng cần làm theo y chang, mà cần tiếp cận mỗi dự án theo cách riêng tùy tính chất của nó)

– Đơn giản: Sự tinh gọn và thiết kế phẳng đang rất phổ biến bởi nó tước bỏ mọi thứ không trực tiếp giúp cho user tiếp cận nội dung.

– Điều hướng: Việc xây dựng điều hướng trên điện thoại, máy tính bảng nên được chú ý trước tiên. Cần phải chừa một khoảng đệm đủ lớn xung quanh khu vực thao tác để đảm bảo user sẽ không chạm nhầm sang các nút chức năng khác. Quan trọng hơn, mỗi trang thiết kế cần đảm bảo tính định hướng, dễ dàng sử dụng đối với những user, đặc biệt là những người lần đầu trải nghiệm trang.

– Thủ thuật tâm lý: Tất cả những thiết kế hiệu quả về bản chất phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý của user. Không chỉ dừng lại ở việc tạo sự tin cậy mà một thiết kế hiệu quả còn đòi hỏi chạm đến cảm xúc, cảm hứng của user. Do đó, nhà thiết kế cần trang bị cho mình những kiến thức về tâm lý màu sắc, cá tính trong thiết kế và nghệ thuật quyến rũ của thiết kế tương tác

Khi bắt tay vào việc, sẽ có rất nhiều thứ bao vây tâm trí bạn. Và vì vậy, sai lầm cũng là bình thường khi chúng ta vẫn đang tiếp tục nạp thêm năng lực, kiến thức và kinh nghiệm. Khi gặp trở ngại hay nghi vấn gì đó, hãy tiếp tục công việc trên góc độ user và bám sát với mục tiêu kinh doanh.

Mục tiêu kinh doanh là đích đến cuối cùng, nhưng nhu cầu của user mới chính là bánh lái giúp con tàu đi đúng hướng.

Nguồn: thenextweb

Add Comment