Ranh giới giữa sự cảm thông và thương hại

Dưới góc nhìn của nhiều người, sẽ có vẻ kỳ lạ nếu như một kiểu đối xử đặc biệt mơ hồ và có thể gây tổn thương lại được xem như một biểu hiện của lòng tốt.

tan-cung-cua-su-thuong-hai

Bất cứ khi nào chúng ta gặp rắc rối, họ – những “người quen” của ta, sẽ chạy đến bên cạnh nói với những lời êm dịu, nhẹ nhàng. Họ lo lắng rằng liệu chúng ta có đang ổn hay không; họ tự hỏi liệu có thể giúp được gì vào thời điểm chúng ta đang chìm trong khốn khó; họ nói họ có thể tưởng tượng mọi thứ tồi tệ thế nào và chúng ta đã phải đau đớn, tuyệt vọng ra sao. Rồi họ kết thúc việc hỏi thăm bằng một lời đề nghị, rằng chúng ta có thể liên lạc với họ bất cứ khi nào cần giúp đỡ – dù là ngày hay đêm, kể cả là cuối tuần. Thậm chí họ có thể thở dài và nói với một giọng rất đỗi dịu dàng: “Thật tội nghiệp cho bạn làm sao!”

Làm sao chúng ta có thể vô ơn đến vậy, khi vào chính lúc này, những người khác có thể gọi chúng ta là kẻ thất bại hay thậm chí còn tệ hơn thế? Có vẻ như sẽ có nhiều người đến để chê cười chúng ta hơn là quan tâm, lo lắng, nhưng ít nhất chúng ta có thể biết được vị trí của mình đang ở đâu.

Sự tốt bụng ngọt ngào trở nên khôn kham chính là khi lòng tốt đó bị cuốn theo một trong những cảm xúc nguy hiểm nhất mà có thể chúng ta phải chịu đựng, đó là lòng thương hại. Bị thương hại là lúc chúng ta bị rơi vào trong đống cảm xúc hỗn độn của sự cô đơn và quái đản, cảm thấy bản thân bị xem thường vô cùng, trong khi tất cả những gì chúng ta khao khát lúc ấy là cảm thông và sự công nhận như những người bình thường khác. Những người thương hại chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chúng ta đang tuyệt vọng ra sao, nhưng dù có cố gắng thế nào, rồi họ cũng sẽ nhận ra một điều: sự tuyệt vọng đó chỉ của riêng ta thôi, và họ sẽ chẳng bao giờ có thể chạm vào những cảm xúc tồi tệ đó. Tất nhiên họ muốn đối xử dịu dàng với chúng ta, nhưng họ không nhận ra rằng bản thân họ cũng sẽ phải đối mặt với sự điên rồ, ngốc nghếch, những bất cẩn hay tổn thương mà chúng ta trải qua. Sự sợ hãi giống như một bức tường thành vững chãi ngăn cách họ với chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta, và cả chính bản thân họ nữa, rằng họ chẳng còn sức để đối diện trong khi chúng ta đang vùng vẫy giữa khó khăn. Có lẽ họ sẽ ném cho chúng ta một chiếc phao cứu sinh, nhưng họ lại không muốn nghĩ rằng liệu có bao giờ họ cũng cần một cái cho bản thân.

Sự thương hại thật phiền phức, bởi vì ranh giới giữa “thương hại” và “cảm thông” – điều mà chúng ta khao khát, chỉ cách nhau mỗi một gang tay. Những người thương hại hay những người cảm thông đều sẽ nói câu “Thật tội nghiệp cho bạn”. Họ đều nhận ra vấn đề mà chúng ta đang gặp phải, những nỗi đau chúng ta đang gánh chịu và sự yếu đuối gục ngã của ta. Nhưng những người thương hại ta sẽ làm một việc vô cùng tàn nhẫn – dù là vô tình: họ ngầm ám chỉ rằng đống hỗn độn mà chúng ta đang gặp phải chỉ là vấn đề của riêng chúng ta. Họ sẽ chẳng bóng gió một điều gì đó – một điều nghe chính xác hơn cũng như nhân đạo hơn: sự thật là chúng ta, bất kể mọi lúc, rất cận kề với sự đau khổ, tuyệt vọng.

Người thương hại chúng ta sẽ không nói điều này một cách trực tiếp, và có lẽ bản thân họ cũng không biết, nhưng chính nỗi sợ hãi đã lý giải vì sao họ luôn cố tránh xa những rắc rối của chúng ta. Họ phải nhắc nhở chúng ta về những rắc rối đó, bởi họ không đủ mạnh mẽ để chấp nhận: có thể họ cũng vướng phải những vấn đề như vậy trong tương lai. Họ có thể đến thăm ta trong bệnh viện, nhưng họ sẽ chẳng muốn hình dung rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ ở trong một nơi ảm đạm như vậy. Họ có thể trả tiền giúp chúng ta khi mua hàng, nhưng rồi sẽ có ngày họ cũng phải chìa tay hỏi vay một ai đó.

Người thực sự có trái tim ấm áp và chân thành là người đủ mạnh mẽ và trưởng thành để đối mặt với nỗi đau; họ biết rằng một ngày nào đó họ cũng sẽ bị tách biệt mặc dù bây giờ họ chưa như thế; họ hiểu rằng họ cũng sẽ trải qua những gì chúng ta đang chịu đựng, rằng họ cũng sẽ vướng vào những sai lầm mà chúng ta từng mắc phải; không phải lúc nào họ cũng có thể tránh khỏi những hành động dại dột, tồi tệ, bây giờ họ có thể vẫn ổn nhưng điều gì đảm bảo chắc chắn rằng họ sẽ không bao giờ như vậy trong tương lai, vì cuộc sống còn dài, họ cũng chỉ là những con người bình thường, làm sao tránh khỏi những tổn thương, đau khổ, như chúng ta đã từng. Đây chính là thứ nền tảng cảm xúc thúc đẩy họ cho đi những lời an ủi và những cái ôm chân thành.

Cuối cùng, đừng nên oán trách những người thương hại ta quá lâu. Họ không cố ý khiến ta đau khổ, và nhìn chung, có lẽ họ cũng chẳng biết những điều mình đang làm. Họ chỉ sợ rơi vào tình trạng giống như chúng ta – sẽ chẳng bị khuất phục cho đến một ngày nếm trải những đắng cay mà chúng ta đã cố dằn xuống. Chúng ta làm họ sợ hãi, chúng ta gợi họ nhớ về những nỗi đau mà họ đang cố chạy trốn. Chúng ta không thể nào tưởng tượng một vấn đề nào đó mà bản thân sẽ gặp phải. Có thể một lúc nào đó, họ sẽ liên lạc để xem chúng ta đang thế nào, nhưng khi chúng ta đối mặt với nỗi kinh hoàng mà ngay cả họ cũng thấy khiếp sợ, chúng ta nên khẳng định lại giá trị của bản thân trước những lời quan tâm mang đầy tính thương hại của họ. Chúng ta trở thành những nhà thám hiểm ở những vùng đất mà họ còn chưa đủ can đảm đặt chân đến. Vậy nên, nếu có ai cần lòng tốt như một liều thuốc an thần, thì đó chính là họ.

Xem thêm:

Add Comment