Trước khi dấn bước vào bất kỳ cuộc hành trình nào, điều quan trọng là ta cần biết hành trang của mình là gì. Bạn cần gì để sống và yêu thương một cách xứng đáng? Làm sao ta có thể chấp nhận những điểm kém hoàn hảo của bản thân? Làm cách nào ta quan tâm đến nhu cầu của mình và vượt qua những gì đang giới hạn ta? Trong cuốn sách Món Quà Của Sự Không Hoàn Hảo, bạn sẽ được khám phá mười nguyên tắc và những hành động mỗi ngày định hướng cho cuộc hành trình Toàn Tâm Toàn Ý. Để bạn có thể cân nhắc và đưa ra những lựa chọn giàu cảm hứng về cách sống và cách yêu.
Trải qua sai lầm trong cuộc sống hẳn khó, nhưng không thể khó bằng việc trốn tránh nó. Chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân là điều mạo hiểm, nhưng nó không nguy hiểm bằng việc bạn chối bỏ tình yêu thương, cảm giác được chấp nhận cũng như niềm vui sướng – chính những trải nghiệm đó tạo nên chúng ta, những cá thể rất người và rất dễ tổn thương. Chỉ khi chúng ta đủ dũng khí dấn thân khám phá góc tối tâm hồn mình, chúng ta mới khơi dậy được sức mạnh của nguồn sáng diệu vợi trong mỗi cá nhân.
Về tác giả
Tiến sĩ Brené Brown là nhà nghiên cứu, tác giả và giảng viên đại học. Bà là thành viên khoa học nghiên cứu Đại học Houston, chuyên ngành nghiên cứu sau đại học về khoa học xã hội. Tại nơi đây, bà dành trọn mười năm nghiên cứu một khái niệm bà gọi là Toàn Tâm Toàn Ý, thông qua việc trả lời các câu hỏi: Chúng ta sống thật và sống xứng đáng như thế nào? Làm sao ta trau dồi lòng dũng cảm, trắc ẩn và sự kết nối mà ta cần để chấp nhận sự không hoàn hảo và tin mình xứng đáng – được thương yêu, đón nhận và hạnh phúc?
Sống Toàn Tâm Toàn Ý là gì?
Và tác giả đã phát hiện ra: Những ai sống Toàn Tâm Toàn Ý đều CHẠM đến điểm tận cùng. Chẳng qua cách họ xử lý tình huống khác với chúng ta. Khi họ quá tải, đuối sức, họ sẽ:
- Cân nhắc về những suy nghĩ và hành vi của mình bằng cách ngồi thiền, cầu nguyện hoặc đơn giản là hướng sự chú ý vào vấn đề đó;
- Tìm cảm hứng để đưa ra nhiều lựa chọn mới lạ, khác biệt;
- Thực hiện. Họ bắt tay vào hành động.
Lòng Dũng Cảm, Trắc Ẩn và Sự Kết Nối: Món Quà Của Sự Không Hoàn Hảo
Trong chương này, tác giả sẽ giải thích những gì bà học được về sự quả cảm, lòng trắc ẩn cũng như sự gắn kết với mọi người, và những công cụ ấy giúp bà ngày càng thấy mình sống xứng đáng ra sao.
Lòng dũng cảm nghe thật vĩ đại, nhưng bàn đến nó thì phải bàn đến việc ta dám bỏ qua những gì người khác nghĩ, và với đa số, thì hành động ấy thật đáng sợ. Lòng trắc ẩn là điều bất kỳ ai mong muốn nhưng đã có ai mạnh dạn nghĩ đến lý do vì sao việc xác định ranh giới và biết nói không là một điều không thể thiếu của lòng trắc ẩn? Ta có dám nói không, ngay cả khi điều đó khiến người khác thất vọng? Cảm giác được đón nhận là phần quan trọng của sống Toàn Tâm Toàn Ý nhưng trước tiên, ta phải biết chấp nhận chính mình – vì sao điều này lại khó khăn đến thế?
Rèn luyện sống dũng cảm, đầy cảm thông và gắn bó với mọi người chính là cách tạo dựng giá trị cá nhân. Mary Daly, nhà thần học, đã viết, “Lòng dũng cảm xuất phát từ quá trình hình thành thói quen. Nó là một thói quen, một tính cách tốt: bạn có được nó thông qua những hành động quả cảm của mình. Giống như muốn biết bơi thì bạn phải nhảy xuống nước tập bơi. Muốn trở nên dũng cảm thì bạn phải thực hiện những hành động dũng cảm.” Lòng trắc ẩn và sự gắn bó cũng tương tự. Chúng ta dạy cho mình biết sống trắc ẩn bằng cách bày tỏ sự cảm thông với chính bản thân mình cũng như người khác, và chúng ta cảm thấy sự kết nối khi biết quan tâm, gìn giữ mối quan hệ xung quanh.
Cần có những nguyên tắc gì cho cuộc hành trình Toàn Tâm Toàn Ý?
Nguyên tắc #1: Sống Đúng Con Người Thật Của Mình, Bỏ Ngoài Tai Những Gì Người Khác Nghĩ
Sống đúng con người của mình bao gồm rất nhiều lựa chọn mà chúng ta đưa ra mỗi ngày. Ta quyết định bộc lộ bản chất thật. Ta quyết định sẽ chân thật. Ta quyết định để cho người khác nhìn thấy bên trong ta. Lựa chọn sống thật nghĩa là:
- Dũng cảm chấp nhận việc không hoàn hảo , đặt ra những giới hạn và cho phép bản thân mình dễ tổn thương;
- Giàu lòng trắc ẩn vì bạn hiểu rằng con người ai cũng có lúc mạnh mẽ lẫn yếu đuối; và
- Nuôi dưỡng các mối quan hệ và cảm giác được đón nhận, vốn chỉ xuất hiện khi ta tin mình có giá trị.
Khi ta lựa chọn chính mình, mọi người xung quanh sẽ khó mà hiểu được vì sao và bằng cách nào ta thay đổi. Bạn bè và gia đình ta lo lắng quá trình học cách sống thật của ta sẽ làm ảnh hưởng đến họ và mối quan hệ giữa ta và họ. Thật ra, thách thức lớn nhất không nằm ở hành động sống thật – mà chính là bạn có dám sống thật hay không. Đa số chúng ta đều dễ cảm thấy hổ thẹn khi bị người khác đánh giá là nuông chiều bản thân hoặc chỉ biết nghĩ đến bản thân. Chúng ta lại không muốn cách ta sống thật bị đánh đồng với ích kỷ hoặc tự tôn quá mức. Hy sinh con người thật trong ta vì những gì người khác nghĩ thật không đáng chút nào. Có thể sẽ khiến những người quanh ta đau lòng nhưng về sau, chính con người thật của ta sẽ là món quà quý giá nhất mà ta có thể trao cho những người ta thương mến.
Tôi luôn cố gắng đặt việc sống thật làm ưu tiên hàng đầu khi rơi vào tình huống dễ tổn thương. Nếu sống thật là mục tiêu của tôi và tôi nỗ lực thực hiện nó, tôi chẳng bao giờ phải hối tiếc. Có thể cảm xúc của tôi bị tổn thương nhưng hiếm khi tôi thấy hổ thẹn. Trong khi nếu tôi đặt mục tiêu được người khác chấp nhận hoặc ủng hộ, nó có thể khơi dậy cảm giác hổ thẹn trong tôi: “Mình không đủ tốt.” Nếu tôi phấn đấu sống thật và người khác không ưa tôi, tôi vẫn ổn. Nếu tôi tìm cách làm cho người khác thích mình và không đạt được mục tiêu, tôi sẽ gặp rắc rối ngay. Thế nên, tôi đặt mục tiêu sống thật là trên hết.
Nguyên tắc #2: Biết Thương Lấy Bản Thân, Dẹp Bỏ Chủ Nghĩa Hoàn Hảo.
Ở nguyên tắc #2, tác giả đã chỉ ra một số ngộ nhận về chủ nghĩa hoàn hảo:
- Chủ nghĩa hoàn hảo không đồng nghĩa với việc phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Chủ nghĩa hoàn hảo không phải là nỗ lực phát triển hoặc trưởng thành một cách đúng đắn. Chủ nghĩa hoàn hảo chính là chiếc khiêng nặng hai chục tấn mà ta mang vác đi khắp nơi với suy nghĩ rằng nó sẽ bảo vệ ta, nhưng thật ra, nó chính là thứ khiến ta không thể nào chắp cánh.
- Chủ nghĩa hoàn hảo không phải là phát triển bản thân. Đa số những người hướng đến sự hoàn hảo được khen ngợi mỗi khi làm điều gì tốt hoặc đạt thành tích cao từ khi còn nhỏ. Trong quá trình đó, chúng ta hình thành một niềm tin hết sức nguy hiểm và mệt mỏi rằng: những thành tựu ta đạt được và cách ta làm điều đó tốt ra sao sẽ tạo nên con người ta. Nỗ lực phấn đấu một cách đúng đắn tập trung vào bản thân – Tôi cần phải cải thiện ra sao? Còn chủ nghĩa hoàn hảo hướng sự tập trung vào người khác – Họ nghĩ sao về điều đó?
Để khắc phục chủ nghĩa hoàn hảo, ta cần hiểu rõ đâu là những điểm yếu khiến mình hổ thẹn, bị phán xét và trách cứ; học cách chế ngự nỗi hổ thẹn; và thương lấy bản thân. Khi làm được điều đó, xem như ta đã biết chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của chính mình. Trong quá trình ấy, ta sẽ tìm ra được những món quà quý giá nhất: lòng dũng cảm, sự cảm thông và kết nối. Trong đó, khả năng tự cảm thông cho chính mình gồm ba thành phần:
- Đối xử tốt với bản thân: cư xử ấm áp và thấu hiểu với bản thân những khi ta đau buồn, thất bại hoặc cảm thấy mình bất tài vô dụng, thay vì phớt lờ nỗi đau hoặc tự trừng phạt mình bằng những lời chỉ trích cay độc.
- Bản chất chung của nhân loại: những chuyện buồn đau và cảm giác thấy mình còn thiếu sót là cảm giác chung của con người – điều mà mọi người đều nếm trải chứ không chỉ riêng ai.
- Sự lưu tâm: tìm cách tiếp cận những cảm xúc tiêu cực một cách cân bằng để tránh việc kìm nén hoặc phóng đại chúng. Ta không thể vừa cố quên đi nỗi đau vừa cảm thông với bản thân cùng lúc. Sự lưu tâm đòi hỏi ta không làm quá lên những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực nhằm tránh bị chúng kiềm tỏa, đánh gục.
“Mọi thứ đều có vết nứt. Nhờ thế ánh sáng mới có thể xuyên qua.” Nhiều người cứ mải đi trám tất cả những vết rạn nứt đó lại, cố tìm cách để mọi thứ trông thật hoàn hảo. Chính lời hát nhắc tôi nhớ đến vẻ đẹp của những vết nứt (cả căn nhà bừa bộn, bản thảo còn nhiều lỗi, và chiếc quần jean quá chật). Nó nhắc tôi rằng những gì chưa hoàn hảo của ta không phải là điểm yếu kém; đó là điểm chung của con người. Tuy không hoàn hảo thật, những tất thảy chúng ta đều thế.
Nguyên tắc #3: Nuôi Dưỡng Ý Chí Kiên Cường, Vượt Qua Cảm Giác Tê Liệt Và Bất Lực
Những người kiên cường thường có 5 tố chất tiêu biểu sau:
- Họ rất tháo vát và có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt.
- Họ có xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ.
- Họ tin rằng mình luôn tìm được cách làm chủ cảm xúc và đương đầu với khó khăn.
- Họ được nhiều người giúp đỡ trong xã hội.
- Họ kết nối với người khác, như gia đình, bạn bè.
Sự kiên cường là thành phần cốt lõi của cuộc sống Toàn Tâm Toàn Ý – giống như các nguyên tắc khác. Và tất cả đều xoay quanh đời sống tâm linh – niềm tin vào sự gắn kết, một sức mạnh to lớn hơn chính bản thân ta và mối quan hệ giữa người với người xuất phát từ tình thương yêu và sự cảm thông – chính là một số thành tố của sự kiên cường. Từ định nghĩa này về đời sống tâm linh, chúng ta nhận thấy có 3 đặc điểm cần thiết để trở nên kiên cường hơn:
- Nuôi hy vọng
- Rèn luyện khả năng phân tích
- Dẹp bỏ cảm giác tê liệt và biết cách đối diện với sự tổn thương, cảm giác khó chịu và đau đớn.
Chúng ta phát triển lối tư duy hy vọng khi ta nhận ra rằng một số việc đáng cho ta bỏ công sức là những việc khó khăn, mất thời gian và không hề vui vẻ. Hy vọng cũng đòi hỏi ta hiểu một điều rằng: nếu bạn đạt được một mục tiêu một cách vui vẻ, dễ dàng và nhanh chóng, thì không có nghĩa mục tiêu ấy kém giá trị hơn một mục tiêu khó khăn lắm ta mới giành lấy được. Nếu ta ươm mầm hy vọng, ta phải sẵn sàng linh động và thể hiện lòng kiên trì. Không mục tiêu nào giống mục tiêu nào. Biết chấp nhận cảm giác thất vọng, có quyết tâm và niềm tin vào bản thân chính là cốt lõi của hy vọng.
Dù đang nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, sống sót sau tổn thương hay đối mặt với những lo toan, căng thẳng, hoặc đi tìm mục đích sống, thì chính nhận thức của ta về cuộc đời sẽ cho phép ta thấu hiểu mọi thứ và tiếp tục tiến bước. Nếu không có ý nghĩa, mục đích và quan điểm sống, ta rất dễ đánh mất hy vọng, làm tê liệt cảm xúc hoặc bị hoàn cảnh áp đảo. Ta thấy mình kém cỏi, thiếu khả năng và lạc lối khi đối mặt với khó khăn. Cốt lõi của đời sống tâm linh chính là sự kết nối. Khi ta tin vào sợi dây kết nối bền chặt đó, ta không còn thấy cô độc nữa.
Tác giả đưa ra danh sách các câu hỏi Báo Cáo Kế Hoạch Thường Nhật, viết tắt là BCKHTN, thật ra nó là những chữ viết tắt của 6 từ khóa quan trọng sau đây:
B = Hôm nay mình đã làm được gì cho Bản thân?
C = Hôm nay mình có Che giấu cảm xúc nào không?
K = Hôm nay mình có Kiêng khem theo đúng kế hoạch không? (thức ăn, công việc, máy tính…)
H = Hoan hô, hôm nay mình có chuyện vui gì nào?
T = Hôm nay mình đã Tập thể thao chưa?
N = Hôm nay mình đã làm được gì cho Người khác?
Sống tâm linh chính là công nhận và ca tụng những lúc chúng ta gắn bó mật thiết với nhau bằng một nguồn sức mạnh vĩ đại hơn tất thảy chúng ta, và khi mối liên kết giữa ta với nguồn sức mạnh ấy cũng như giữa mọi người với nhau bắt nguồn từ tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Sống tâm linh giúp ta có cái nhìn đúng đắn, đồng thời nhận ra ý nghĩa và mục đích sống của đời mình.
Trên đây là ba trong số mười nguyên tắc mà Brené Brown đưa ra để chúng ta khám phá và hành động mỗi ngày định hướng cho cuộc hành trình Toàn Tâm Toàn Ý. Mỗi nguyên tắc sẽ được viết thành từng chương riêng, và được minh họa bằng nhiều câu chuyện, định nghĩa, trích dẫn của danh nhân và nhiều ý tưởng để bạn cân nhắc và đưa ra những lựa chọn giàu cảm hứng về cách sống và cách yêu.
Lời kết
Trong thế giới ngày nay, lựa chọn sống thật và tin vào giá trị bản thân chính là hành động phản kháng. Lựa chọn cách sống và yêu thương bằng cả trái tim là hành vi thách thức. Sẽ có lúc bạn thấy mình bối rối, tức giận và khiến nhiều người hoảng sợ – kể cả chính bạn. Có lúc bạn ước gì mình đừng thay đổi gì cả, nhưng sau đó bạn lại cầu mong mọi thứ không bao giờ chấm dứt. Bạn sẽ tự hỏi vì sao mình có thể vừa dũng cảm vừa sợ hãi đến thế. Đó cũng là cảm giác thường xuyên của tác giả… can đảm, lo sợ, và cực kỳ, cực kỳ yêu đời.
- Review sách Yêu Mình Trước Đã Yêu Đời Để Sau
- Hiểu thêm về nghệ thuật tư duy ngược dòng
- Review sách Quý ngài tài năng – Patricia HighSmith
- Binh Pháp Tôn Tử Trong Kinh Doanh – Chiến Lược Vượt Thời Gian
- ‘Trò Đùa Của Sự Ngẫu Nhiên” – Thành Đạt Hay Giàu Có Đều Phải Nhờ Vào May Mắn
Review chi tiết bởi Hồng Dịu – Bookademy