Mình rất là mừng khi nhận ra mình đã đọc rất ít trong năm nay, có lẽ chỉ bằng một phần hai hay ba so với mọi năm, và điều đó chứng tỏ mình đã bớt rảnh và đã làm những việc chắc chắn là có ích hơn (vì có việc gì không có ích hơn là ngồi thu lu đọc một cuốn sách mà 90% là chỉ sau 2 tuần mình sẽ quên 90% nội dung về nó). Lần đầu tiên trong đời mình hiểu thế nào là “so many books, so little time” như Frank Zappa viết, dù vẫn thắc mắc tại sao Zappa lại thích đọc sách nhiều thế làm gì, mình mà có sáng tác nhạc hay bằng nửa ông, chơi nhạc hay bằng nửa ông, thì chắc một năm mình đọc 2 quyển sách.
- Trích sách: PEAK Những Ảo Tưởng Về Thiên Tài
- Review Sách Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc
- Review sách Yêu Mình Trước Đã Yêu Đời Để Sau
- Review sách Nghệ thuật tư duy ngược dòng – Humphrey B.Neil
- Review sách Món Quà Của Sự Không Hoàn Hảo
Nói chung là năm qua hầu như mình chỉ đọc đủ để 1 tháng 2 lần có đề tài viết bài cho một tờ tạp chí mà mình cộng tác viết mục điểm sách. Cũng chưa bao giờ mình thấy mình dễ dàng chán sách thế, có nhiều cuốn mình đọc và bỏ dở, không đọc hết và không thấy tội lỗi gì. Nếu là bình thường, mình sẽ nghĩ, trời ơi, có mỗi quyển sách còn không đọc được hết thì còn làm được cái gì? Bây giờ thì mình nghĩ, trời ạ, có quyển sách dở ốm mà cũng cố đọc hết, sống được bao lâu mà khổ vậy? Năm nay mình hơi nhiều những bệnh tật lung tung ấm ớ nên mỗi lần nghe album Milestones (1973) đến đoạn Roy Orbinson hát “I want to live ‘till I get old, I want to watch all this grow” là mình lại cảm thấy muốn vùng dậy mà làm cái gì đấy hơn là đốt thời gian cho những cuốn sách không ưng.
Rồi có cả những cuốn mà mình để quên ở nhà vệ sinh trong sân bay và vì chẳng thấy hứng thú gì với nó, mình tặc lưỡi không thèm quay lại lấy tránh để anh Grab phải đứng chờ, lắm chữ hay không thì chưa chắc ai cũng biết đâu nhưng tử tế hay không là ai nhìn vào cũng biết cả đấy. Vì thế khi nhận viết một bài tổng kết sách cho năm 2019, mình cũng ngại vì sợ rằng với một mẫu quá hẹp thì những đánh giá không được chính xác, có thể những gì mình thấy hay chỉ là bởi vì mình đã không đọc được cái gì hay hơn. Nhưng dù sao cũng đã nhận lời viết rồi, thì cũng nên viết thôi.
Ngày xưa mình từng làm một danh sách, những cuốn sách hay mà đọc xong khiến người ta sợ phát hãi khi phải viết, dạng sách kiểu Lawrence of Arabia trong điện ảnh, một khi đã được làm ra thì những kẻ yếu bóng vía thưởng thức xong sẽ không còn dám sáng tác thêm gì nữa vì còn sáng tác làm gì khi những thứ hay nhất đã được sáng tác hết cả rồi. Nhưng lần này, mình sẽ lựa chọn trên tiêu chí những cuốn sách văn chương 1) mới phát hành / tái bản ở Việt Nam năm 2019, 2) (suy ra từ 1) đã có bản dịch và 3) quan trọng nhất, những cuốn sách mà một người đọc xong, bỗng chốc người ấy cũng muốn xách mông lên đi viết, như một người bạn nói với mình, tác giả của chúng là người thầy của những nhà văn. Mấy ông viết ra mấy cuốn chặn đứng giấc mộng sáng tác từ trong trứng nước chắc được gọi là kẻ thù / đao phủ của những nhà văn.
- Pedro Páramo – Juan Rulfo
Cuốn sách này lẽ ra xứng đáng với một phản ứng hưng phấn hơn nữa (của ai thì mình không biết) khi nó được phát hành ở Việt Nam. Mình đọc cuốn này 3 lần. Lần đầu tiên đọc: sự choáng ngợp, choáng ngợp trước bầu không khí ngôn ngữ u huyền, choáng chợp trước kết cấu tầng tầng lớp lớp, choáng ngợp vì cứ tưởng rằng trên đời chỉ có một Trăm năm cô đơn, mà hóa ra nếu không có Pedro Páramo thì García Marquez có khi không viết được Trăm năm cô đơn, như ông thừa nhận. Lần thứ hai đọc: sự mở mắt, khi mộng bắt đầu được giải ảo và phong cảnh của cả cuốn sách dần tỏ hiện còn những kỹ thuật thượng thừa hiển lộ trên bề mặt. Và lần thứ ba đọc: sự say mê, như một người lữ khách đi đến một vùng đất đẹp đẽ mà xa lạ, anh ta đầu tiên sẽ lạc trong choáng ngợp, rồi sẽ lặn lội trong ngõ ngách của nó đến khi tận tường, rồi cuối cùng anh sẽ yên lòng thưởng thức nó trong sự thân thuộc như một cư dân.
Vì đã từng điểm về cuốn này rồi nên mình xin phép được trích lại một phần vì mình vốn lười suy nghĩ:
Chỉ riêng một lời của Gabriel García Márquez, rằng “Nếu tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết như Pedro Páramo của Juan Rulfo thì tôi sẽ bẻ bút không viết nữa”, là đủ để người ta nhất định phải đọc Pedro Páramo.
Và, kiệt tác sinh ra kiệt tác. Cũng như James Joyce đã lĩnh ngộ Odyssey của Homère, để rồi viết nên một kỳ thư về cái ngày 16 tháng 6 năm 1904, khi người đàn ông tên Leopold Bloom loanh quanh khắp Dublin, như một lời đáp của chủ nghĩa hiện đại với thiên sử thi Hy Lạp, thì García Márquez cũng đã viết nên Trăm năm cô đơn nhờ nguồn cảm hứng từ Pedro Páramo – một ngọn núi của văn chương Mexico và văn chương thế giới thế kỷ 20.
Đặt song song hai cuốn sách, một dày cộp, một mỏng tang, ta xem Pedro Páramo đã bắt đầu thế nào: “Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó đã từng sống ở đây.”
Còn với Trăm năm cô đơn, đoạn mở đầu là: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy, Macondo là một làng gồm vài chục góc nhà tranh vách đất…”
Một đứa con trai, một người cha, một cái làng của cái “thời ấy” với những ký ức “đã từng sống ở đấy”, và hành động ngược dòng ký ức, chừng ấy những điểm chung như báo hiệu rằng, lời mở đầu của Trăm năm cô đơn là sự tri ân mà García Márquez dành tới Rulfo, tựa một khúc biến tấu trên chủ đề của Mozart mà Beethoven dâng lên bậc thầy.
Ta thậm chí có thể so sánh thế này: dòng họ Buendía của García Márquez là trục tung, đế chế Páramo là trục hoành, bởi dòng họ Buendía kéo dài hàng mấy đời và vì thể để lại nghiệp chướng “cái đuôi lợn” theo chiều dọc thời gian, còn đế chế Páramo được kể trong sự rộng dài địa lý (“.. .ngút tầm mắt mới bao quát được đất đai vùng này. Cả Media Luna là thuộc quyền sở hữu của ngài Pedro Páramo”), và cái nghiệp chướng của dòng họ ấy lan rộng theo chiều ngang không gian.”
- Mashenka – Vladimir Nabokov
Cả một tháng trời, mình đọc đi đọc lại Mashenka. Đó là điều hiếm hoi với mình vì thường đọc xong mình quên ngay và ít khi có ý định đọc lại (khá kỳ lạ, năm nay 5 cuốn mình chọn ra đây mình đều đọc lại 1-2 lần). Mình mang Mashenka theo mỗi khi mình linh cảm sẽ có gì đó khiến mình ngột ngạt, và tin rằng chỉ cần mở đúng một trang của Mashenka, hít lấy hít để một vài dòng, thế là mình nạp đủ mana để trở lại với hiện thực chủ nghĩa.
Mashenka (hay bản tiếng Anh: Mary) là tiểu thuyết đầu tay của Nabokov, là phần nào khối ký ức về mối tình đầu tan vỡ của chính nhà văn. Mình vẫn thường tự hỏi tại sao những người sáng tác thường đặt tên người tình đầu là Mary, và đến nay vẫn chưa thể nào giải đáp, có lẽ cái tên ấy tự thân nó đã đơn giản và thanh khiết, thánh thiện và nằm ngoài mọi vẩn đục, cũng giống như mối tình đầu vậy.
Để gói gọn lại Mashenka, mình đã viết rằng đó là một cuốn sách ngây ngất đẹp và miên man buồn, không giễu nhại, không chơi chữ, không lắt léo những hình tượng, không trang sức bằng các ngôn ngữ khác (như ông vẫn thường dụng công trong những năm sau), mà lại giống hơn một giấc mộng của Pushkin “giữa cô quạnh âm u tù hãm”, nhưng làm sống dậy “cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc/cả đời, cả lệ, cả tình yêu”. Mashenka cho bạn biết “chân dung một nhà văn thời cún con”, với ngòi bút còn thơ ngây, non nớt, không nhiều toan tính và tham vọng, nhưng trong số những tiểu thuyết của mình, có lẽ không ở đâu Nabokov đã viết ra ít đến thế mà lại viết được nhiều đến thế. Đọc Nabokov luôn là một sự mở mắt về văn chương, về sức mạnh thuần khiết của ngôn từ, và Mashenka không là ngoại lệ. Cuốn sách tiết chế đến cùng cực, toàn bộ nỗi lòng bị dồn ép lại, thu bé lại chỉ còn những hình ảnh bé nhỏ mà thăm thẳm, (ai có thể chỉ dùng một cục đường để gói gọn toàn bộ tuyết mùa xuân ẩm ướt của nước Nga như Nabokov?), mà tài tình thay, nó vừa hay trùng khớp với tâm thế một người lưu vong, giữa nơi xa lạ, tự cô lập, tự thu bé sự hiện diện của mình.
Cả tiểu thuyết lơ lửng trong một cơn mộng huyễn nguy nga hư ảo nơi mối tương tư dành cho người tình đã chia xa hòa nhập cùng niềm thương nhớ danh cho nước Đại Nga đang dần tận số, nơi mọi thứ xảy ra đều chấp chới, như có đó rồi lại như không có, như thể người kể chuyện đang đối xử với ký ức như với một sinh vật yếm thế dễ tổn thương, vừa muốn nâng niu, vừa không muốn làm phiền đến nó. Ngay cả khoảnh khắc chàng Ganin bày tỏ tình yêu với nàng Mashenka, khoảnh khắc đáng nhẽ phải là cơn thăng hoa của ái tình, cuối cùng lại diễn ra như một giấc mơ kín đáo, mập mờ, không thể đối mặt: “Khi cả cái bàn đổi màu tím một cách tức cười, và các ngón tay Mashenka thành ra giống như thể cô vừa hái việt quất, Ganin quay đi và nhíu mắt nhìn chăm chú vào cái gì đó xanh-vàng, di động, ấm áp, mà lúc bình thường vẫn là tán lá đoan, và bảo Mashenka rằng yêu cô đã lâu.”
Vâng, chính câu này là câu mình đã đọc đi đọc lại, đọc tái đọc hồi, và mỗi lần đọc vẫn phải thở chậm lại, chậm lại để mường tượng ra tất cả những chuyển động khẽ khàng đó. Lối mô tả tế nhị ấy của Nabokov làm mình nhớ tới cảnh cuối cùng xinh đẹp trong bộ phim Through the olive trees của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami, khi chàng trai lật đật đi theo sau cô gái mà anh đơn phương yêu giữa rừng olive, mà góc máy cứ mỗi lúc một rộng ra, rộng thêm ra, để rốt cuộc ta không biết chàng trai đã nói gì, cô gái đã đáp sao, mà chỉ thấy hai bóng người cứ đi mãi, thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện giữa những rặng olive bất tận.
- Sự bất tử – Milan Kundera
Năm nay Nhã Nam có hai cuốn của Milan Kundera, một là Chậm, hai là Sự bất tử.
Nói về Chậm trước, rốt cuộc thì mình cũng đã quên đi 90% nội dung của nó, nhưng có hai chi tiết, một ở đầu, một ở cuối, mà sẽ khiến mình sẽ không thể quên đi 10% còn lại. Đó là chương đầu tiên, khi Kundera bàn về “cái thú chậm rãi” và tự hỏi: “Vì sao cái thú chậm rãi đã biến đi đâu mất rồi? Ôi, họ đâu rồi, những chàng lười của thời xưa? Họ đâu rồi, những nhân vật vô công rồi nghề trong các bài hát dân gian, những gã lãng du lang thang từ cối xay gió này đến cối xay gió khác và đêm về ngủ với sao trời? Có phải họ đã biến mất cùng với những lối đi trên bờ ruộng, những thảo nguyên và những khoảng rừng thưa, cùng với thiên nhiên?” Và ở chương khép lại, khi chàng hiệp sĩ của thế kỷ thứ 18 gặp một Kundera của thế kỷ 20 trong một ảo tưởng xuyên thời gian, nhà văn chiêm ngắm chàng bước về chiếc xe ngựa và trong khi chàng từ tốn thu mình lên đó, ông nghĩ: “Tôi van anh đấy, anh bạn ạ, hãy sung sướng đi. Tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng khả năng sung sướng của anh là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.”
Nói đến đây, mình mệt quá rồi, mình chẳng nói về Sự bất tử nữa, bởi thật ra những gì ở đó cũng giống như những gì bạn đã thấy, đã biết, đã biết tỏng, mà không bao giờ chán được ở Kundera, và cảm tưởng như, ông có thể tiếp tục viết như thế, viết như thế mãi, mà những ý tưởng cũng không bao giờ cạn kiệt, những so sánh và những logic không bao giờ hết. Chỉ cần bạn từng một lần thích Kundera, thì hãy đọc Sự bất tử.
- Palomar – Italo Calvino
Chắc vì mê muội Abbas Kiarostami nên những gì gợi mình nhớ đến điện ảnh của Kiarostami mình đều thích.
Palomar thì nhắc mình nhớ 24 frames, bộ phim cuối cùng của Kiarostami, bộ phim chỉ được phát hành sau khi ông đã qua đời. Cả Palomar và 24 frames đều có gì đó thực đến cực thực, cực thực đến vượt ra ngoài ranh giới nhị nguyên của thực/ảo, và đều là những quan sát luận cuối cùng của những nghệ sĩ mải mê truy gốc bản chất của thứ nghệ thuật mình đã lao tâm khổ tứ cả đời.
Anh bạn mang tên Palomar đứng trước đại dương vào một ngày mùa hè nọ khi liên kết giữa anh và thế giới đã suy nhược, bỗng nhiên anh muốn nhìn một ngọn sóng, “nhìn” – không phải chiêm nghiệm – không phải đắm chìm. Và trò chơi một khi đã bắt đầu thì không thể vãn hồi, không thể ngưng buông. Anh bạn Palomar chăm chú quan sát thế giới trong từng vận động, từng cử chỉ và cấu hình của nó, đôi khi như một nhà vật lí lượng tử tin rằng cái nhìn có “huyền năng” thực sự tác động lên hành trạng của những nguyên tử lạc vào tầm ngắm chứ không chỉ là biến dạng chúng thành ký ức méo mó, hay tạm gọi là thay đổi thế giới khách quan nhưng không làm bớt tính khách quan. Có điều, hết lần này tới lần khác, anh thất bại thảm thê khi chỉ được hồi đáp lại bằng những nghịch lý không thể giải đáp. Càng nhìn kỹ hơn, thế giới tưởng như là một khối đặc quánh, vón cục và liền mạch lại càng hiện lên vụn vỡ, đứt đoạn và nứt toác không cách gì khôi phục. Những con người càng sống kỹ lưỡng lại càng cảm thấy không thể nào hiểu được thế giới vây quanh mình.
Cảm giác thú vị nhất khi đọc Palomar là sự vô cùng. Sự ngắn ngủi về mặt thị giác (mỗi đoản văn chỉ kéo dài khoảng 3-4 mặt giấy) lại dấy lên sự vô cùng của từng mảnh rơi rớt trong thế giới đa tầng. Một quầy pho mát cũng trình hiện cả một nền văn minh, một đợt sóng cũng trình hiện đầy đủ những quy tắc vật lý và cơ học, mà đó mới chỉ là khảo sát bề mặt, như Palomar nghĩ: “Chỉ khi biết bề mặt của sự vật ta mới có thể mạo muội tìm kiếm những gì có ở bên dưới. Song bề mặt của sự vật thì không thể thấu cạn.”
- Ký ức lạc loài – W.G. Sebald
Nhắc đến Ký ức lạc loài làm mình nhớ đến một số chuyện và trong đó có một chuyện với chính chủ trang Madame Z. Số là lần đầu tiên gặp nhau, mình kể mình có đọc tờ Elle (mà mình thường gọi là tạp chí Éo-le) hằng tháng và biết Madama Z đang giữ mục điểm sách ở đó. Và Madame Z liền hỏi mình rằng, đang không biết điểm cuốn gì tiếp cho nó hợp với độc giả Eó le (tức là những người đàn bà phù phiếm), Madame tiết lộ dự định review quyển… Lò sát sinh số 5 nhưng mình đã, vì một nửa thế giới, ngăn không để Madame Z làm điều ấy. Đại để câu chuyện giữa mình và Madame Z đi đến cuốn Ký ức lạc loài, hình như lúc đó Madame chưa đọc cuốn này còn mình thì đã đọc rồi, Madame bảo nghe tên có vẻ cũng hợp cho Éo le, mình bèn thở dài, hichic em cũng tưởng thế mà không phải thế chị ạ.
Nghe ký ức ký iếc các thứ thường dễ liên tưởng đến một cái gì đó buồn mà như không buồn, miên man bất tuyệt, chơi vơi lãng mạn, bâng khuâng và thân thương. Nhưng Ký ức lạc loài thì không như vậy, nó nặng và lạnh, và giống hơn một khảo cứu hư cầu về quá khứ, không trác tuyệt như Proust, nhưng vừa chừng mực, vừa mênh mông, vừa tường minh, vừa tỉ mỉ như một nhà khảo cổ.
Ký ức lạc loài bắt đầu bằng một tấm ảnh đen trắng. Trong tấm ảnh, có một nghĩa trang, những mộ bia xếp đều đặn dưới tán một cây sồi lớn. Và rồi, câu chuyện bắt đầu: Một đôi vợ chồng chuyển tới một căn nhà tại thị trấn Hingham. Chủ nhà là một vị bác sĩ đã gần như cắt đứt với thế sự, người mà thuở ấu thơ đã đặt chân lên con tàu di dân mà ông cứ đinh ninh sẽ đáp xuống Huê Kỳ, nhưng cuối cùng lại chỉ tới nước Anh. Thế rồi, chiến tranh xảy ra. Thế rồi, ông rút lui khỏi cuộc đời như một ẩn sĩ, như đã không còn gì để sống trong đời này nữa. Và một ngày, ông tự sát.
Đó là câu chuyện đầu tiên trong Ký ức lạc loài. Theo sau là ba câu chuyện nữa, đều phục dựng ký ức những người Đức di dân, tổng lại có bốn câu chuyện độc lập, bốn lời tường thuật, rất nhiều nhân vật, và rất nhiều cái chết.
Ký ức lạc loài giải phẫu cái bóng tối bên trong những con người thời hậu chiến. Những nhân vật mới đầu xuất hiện một cách rất đỗi bình thường, cho đến khi quá khứ của họ phơi mở, mặc dù không bao giờ là một sự phơi mở trần trụi. Những hồi ức trực diện về chiến tranh không hiện lên khốc liệt, chúng thường bị né đi, bị làm mờ, nhưng vẫn luôn ở đó, dính bết vào những kẻ tị nạn như keo, dù có muốn gỡ ra cũng sẽ để lại những vết sần sùi.
Đọc Ký ức lạc loài cũng là dịp để bạn đọc thêm Camera Lucida mà trong đó triết gia Roland Barthes bàn về nghệ thuật nhiếp ảnh, hay Speak, memory – Hãy nói đi, ký ức của Vladimir Nabokov – một tự truyện hư cấu với những kỹ thuật rất gần với Ký ức lạc loài.
Mình vẫn thích những cuốn sách như thế, những cuốn sách dẫn lối vào những cuốn sách khác, điều đó đem đến cho mình một cảm tưởng – hay đúng hơn, ảo tưởng – rằng những cuốn sách có những lối đi thông đến nhau và nếu có thể lập một bản đồ tương quan giữa chúng, ta sẽ thấy tự chúng là một hành tinh tách biệt với hành tinh con người và chẳng cần phải đi hai mươi ngàn năm ánh sáng để kiếm tìm một nền văn minh khác.
*
BONUS:
Một số cuốn sách mà mình nghĩ rất đáng để bạn bớt chút thời gian đọc (tất nhiên, nếu bạn rảnh, như mình, dù mình đã bớt rảnh nhiều nhưng kỳ thực vẫn còn rảnh lắm): Biến thể (hay Metamorphoses) – kiệt tác 2000 năm của Ovid lần đầu được chuyển ngữ, Thẩm phán và đao phủ của Friedrich Durenmatt – một cuốn sách tinh giản mà chính xác, tinh vi trong từng động tác, một cuốn sách nhỏ mà chứa đựng cả một suối triết học, Từ điển Khazar của Milorad Pavic – được mệnh danh cuốn tiểu thuyết đầu tiên của thế kỷ 21, với những cuộc chơi ngôn từ kinh diễm tạo lập nên một huyền thoại tráng lệ về con người, Lịch sử của Herodotus – mình chưa đọc hết cuốn này, và đáng nhẽ ở đây mình chỉ định nói về văn chương và không nói về các thể loại sách khác, nhưng vì Herodotus vừa có tiếng là ông tổ của sử học của phương Tây, vừa mang tiếng là thằng cha nói phét như thần, và khi đọc Lịch sử mình có cảm giác tác giả dựng chuyện nhiều hơn là thật, ồ mình rất dốt sử, nhưng chỉ là cảm giác thế thôi, nên mình vẫn xếp nó như một tác phẩm hư cấu, Khó mà tìm được một người tốt của Flannery O’Connor – một tập truyện ngắn nghịch dị, trớ trêu về những con người bị Chúa trêu người, Giờ Đức Văn của Siegfried Lenz – một cuốn sách gợi ý cho những người viết một cách viết về ký ức và quá khứ thật tinh xảo và lộng lẫy.
Mình cũng thêm vào một số cuốn sách mà mình cảm thấy hơi tốn thời gian để đọc, như Bản chất của người (Han Kang) với một cách viết khác xa hoàn toàn Người ăn chay nhưng đáng tiếc khác theo chiều hướng dở – nếu muốn tìm hiểu phong trào dân chủ Gwangju thì thà xem phim Taxi Driver có bác Song Kang-ho còn hơn, cuốn Cô gái viết nỗi cô đơn của Shin Kyung-sook cũng hay hơn nhiều; bên cạnh đó là Nhà máy chế tạo siêu nhiên (Karel Čapek) – chính là cuốn mình đã bỏ lại ở nhà vệ sinh mà không thèm lấy lại, mình đã chờ đợi nó vì ngày xưa cũng từng mê mẩn khi đọc Khi loài vật lên ngôi hay Hoa cúc xanh và những vở kịch ngắn của cụ nhưng cuốn này thì… cảm giác như nó là bản nháp ý tưởng của một tập sách không hoàn chỉnh hơn là một chỉnh thể đã được biên tập; sách của Diêm Liên Khoa – thật sự ngoài việc bóc mẽ xã hội Trung Quốc ra thì mình không cảm nhận được không khí văn chương trong những cuốn sách của Diêm (không khí chính trị thì tràn ngập, mà với cá nhân mình văn chương trước hết nó nên là văn chương, rồi nó muốn là thêm cái gì thì là), dù đã đọc 4 cuốn khác nhau của ổng (hihi cho ổng đến 4 cơ hội để dụ dỗ mình, bình thường mà hẹn hò một buổi không thấy ra gì là cho đi luôn đấy nhé), nhưng thấy cuốn nào thì mọi thứ cũng được kể lể tồng tộc tồng tộc, cái gì cần nói tác giả đã nói hết ra rồi khỏi cần phải nghĩ – đã thế kể còn không duyên nữa, mình cũng thành thực nói với Madame Z là Diêm không hay bằng Mạc Ngôn, Mạc Ngôn dù gì cũng rất có duyên kể chuyện; và tất nhiên sẽ có nhiều cuốn khác mà chắc mình đã quên nên không kể hết.
Hiền Trang/ Theo zzzreview.com