Binh Pháp Tôn Tử Trong Kinh Doanh – Chiến Lược Vượt Thời Gian

Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng đã từng xem những bộ phim dã sử như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Xuân Thu Chiến Quốc, … và cũng đều ngưỡng mộ trầm trồ trước mưu trí của những bậc quân sư đại tài và một trong số đó chính là Tôn Tử. Binh pháp Tôn Tử với nhiều lý luận nổi tiếng đã được nhiều nhà chiến lược và quân sự đại tài áp dụng. Vậy cụ thể trong kinh doanh, đặc biệt với những doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ có thể áp dụng được điều gì? Chúng ta hãy cùng khám phá qua góc nhìn của tác giả Becky Sheetz-Runkle trong cuốn “Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh”.

binh-phap-ton-tu-trong-kinh-doanh-1

Cuốn sách dành cho ai

Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh là cuốn sách dành cho các nhà khởi nghiệp và nhà điều hành doanh nghiệp nhỏ đầy tham vọng đang phải chiến đấu với những gã khổng lồ, cũng như mưu cầu phát triển doanh nghiệp của mình trở thành nhưng thế lực lớn trong ngành nghề mình kinh doanh.

Tác phẩm cũng dành cho những người nghiên cứu về Tôn Tử và đang tìm hướng điều chỉnh độc đáo để phù hợp với lực lượng nhỏ hơn.

Nội dung cuốn sách

Cuốn sách là công trình nghiên cứu toàn diện về kiệt tác của Tôn Tử, nhắm tới việc ứng dụng cho đội nhóm nhỏ và minh họa bằng các câu chuyện thành công thực tế. Binh Pháp chính là tập hợp các chiến thuật dành cho lực lượng nhỏ hơn có thể sử dụng để chiến thắng đối phương. Cuốn sách này nhằm hướng dẫn cho các bạn những chiến thuật đó.

Tác giả

Becky Sheetz-Runkle là nhà đào tạo kinh doanh, nhà marketing chiến lược, bậc thầy võ thuật, diễn giả, đồng thời cũng là một tác giả nổi tiếng. Cô chuyên tâm nghiên cứu về các chiến lược của Tôn Tử và đã thuyết trình đề tài này trước nhiều đội nhóm và khách hàng. Một số khách hàng của cô là Delta Airlines, Oscar Mayer, Engility Corporation, I-Women, trường kinh doanh Cheung Kong, Hiệp hội Chăm sóc Sức Khỏe Hoa Kỳ.

binh-phap-ton-tu-trong-kinh-doanh-2

Vì sao binh pháp Tôn Tử đặc biệt hữu dụng với lực lượng nhỏ hơn? Câu chuyện từ ngàn xưa …

Tôn Tử sống cùng thời với Khổng Tử. Người ta tin rằng ông sống từ năm 544 tới năm 496 trước Công nguyên, gần cuối giai đoạn lịch sử Xuân Thu, trong thời kỳ nhiễu nhương, hỗn loạn ở Trung Hoa. Trong giai đoạn nhà Chu suy yếu, Trung Hoa có hơn 150 quốc gia lớn nhỏ, liên tục tranh giành quyền lực với nhau. Những quốc gia này thường xuyên giao tranh cho tới khi còn 13 nước lớn. Trong số đó, bảy quốc gia có nguồn tài nguyên và quân lực vượt trội. Thời kỳ này chuẩn bị cho giai đoạn lịch sử Chiến Quốc xảy ra sau đó tại Trung Hoa.

Tổn Tử là danh xưng mà hậu thế trân trọng gắn liền với cuốn binh thư của ông. Tên thật của ông là Tôn Vũ. Ông sinh ra trong dòng dõi quý tộc. Vốn là người chuyên tâm nghiên cứu lý thuyết quân sự, ông chuyển tới nước Ngô do sức mạnh quân sự của nước này ngày càng mạnh mẽ. Do khâm phục tài năng của Tôn Tử, Ngô Vương phong ông làm quân sư, phụ trách kỷ luật quân đội và hỗ trợ tướng Ngũ Tử Tư trong việc đưa ra quốc sách bành trướng lãnh thổ.

Kẻ thù lớn nhất của nước Ngô là nước Sở. Do nước Sở rất có thế lực nên cả Ngô vương, tướng lĩnh nước Ngô và Tôn Tử đều hiểu rằng họ cần vạch ra kế hoạch cẩn thận và vận dụng chiến lược để đánh bại kẻ thù lớn mạnh hơn mình. Nước Ngô tổ chức quân đội thành ba đoàn quân và tiến hành những cuộc tiến công theo chiến lược vừa đánh vừa lui vào nước Sở hùng mạnh và kiên trì áp dụng chiến thuật này trong năm năm. Chiến lược vừa đánh vừa lui như sau: Một quân đoàn của nước Ngô tiếp cận biên giới nước Sở khiến nước Sở lập tức phải bày binh, bố trận để ứng phó. Sau đó, nước Ngô lại hạ lệnh rút quân. Rồi sau khi nước Sở rút quân, nước Ngô lại động binh. Trong vòng năm năm nước Ngô nhiều lần áp dụng chiến thuật này nhiều lần nhằm làm nước Sở xáo trộn và hao mòn sức lực, với hy vọng kẻ thù sẽ phạm sai lầm. Và chiến thuật này đã phát huy tác dụng. Nước Sở chịu nhiều tổn thất to lớn. Sau đó vào năm thứ sáu, tức năm 506 trước Công nguyên, nước Ngô tung đòn quyết định, giành chiến thắng cả năm trận chiến và chiếm được đất Dĩnh, kinh đô nước Sở.

Sự ra đời của bộ binh pháp lỗi lạc

Hơn 1100 năm trước khi chúa Jesu ra đời, ở vùng viễn Đông xa xôi có một quốc gia tên là Chu. Nhà Chu nhận thấy lãnh thổ của mình quá rộng lớn để một vị vua ca trị vì, vì vậy vua Chu chia quốc gia thành nhiều vùng đất nhỏ và chỉ định một người đứng ra cai quản vùng đất đó với danh nghĩa chư hầu. Trong các nước chư hầu ở phía nam, nước Ngô đang có tham vọng muốn bành trướng lãnh thổ nhưng bên cạnh họ là nước Sở. Năm 512, Tôn Tử được phong làm tướng soái thống lĩnh ba quân và dâng lên Bộ binh pháp do ông tự biên soạn cho Ngô Vương Hạp Lư. Nước Sở là một nước lớn với tiềm lực hùng mạnh và là vấn đề lớn nhất với tham vọng của nước Ngô. Từ bối cảnh đó có thể liên tưởng nước Ngô – chính là những doanh nghiệp khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ –  với tham vọng phát triển lớn mạnh nhưng lại gặp đối thủ hùng mạnh là nước Sở – doanh nghiệp lớn với tiềm lực hùng hậu.

binh-phap-ton-tu-trong-kinh-doanh-3

Hiểu rõ bản thân, đối thủ và trận địa

Tôn Tử hiểu rõ nước Sở hay nhưng doanh nghiệp lớn có điểm yếu đặc trưng đó là tâm lý tránh rủi ro và khó thích nghi. Thứ nhất, các doanh nghiệp lớn khó chấp nhận rủi ro hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhỏ, đơn giản vì họ sẽ thiệt hại lớn hơn. Các doanh nghiệp lớn thường sẽ chấp nhận những quan niệm ít rủi ro hơn là những ý tưởng mới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ hai, doanh nghiệp với quy mô sản xuất lớn, công nghiệp hóa khi thị trường thay đổi sẽ tốn chi phí lớn về máy móc nhân công để thay đổi mô hình. So với nước Sở, Nước Ngô hay doanh nghiệp nhỏ lại có lợi thế đó là tâm lý chấp nhận rủi ro. Họ sẵn sàng đương đầu đối mặt với những khó khăn thử thách hay những cơ hội mặc dù có khả năng cho lợi nhuận vô cùng lớn nhưng rủi ro cao cũng không kém. Đồng thời, họ có sự nhanh nhẹn, linh hoạt và dễ dàng thích nghi khi có thay đổi và lợi thế này ngày càng trở nên ưu việt trong thời đại ngày này.

Lựa chọn chiến lược phù hợp

Nước Sở là nước lớn nếu đánh trực diện hoặc để nước Sở tập trung nguồn binh lực thì cơ hội của nước Ngô là vô cùng thấp. Đầu tiên, Tôn Tử tổ chức phân chia binh lực của nước Ngô làm ba đại quân bày binh bố trận ở gần biên giới nước Sở khiến nước Sở cũng phải dàn binh ra biến giới, điều này làm phân tán quân lực của nước Sở. Tiếp theo, quân Ngô tiến hành những cuộc tấn công chiến lược vừa tiến vừa lui và biên giới nước Sở, nước Sở vừa rút quân nước Ngô lại đem quân ra đánh cốt để làm cho quân binh nước Sở mất nhuệ khí, sức lực, triều đình nước Sở hao tổn tiền của đấy chính là chiến tranh du kích mà đến ngày nay trong cả chiến tranh và kinh doanh vẫn luôn luôn là một chiến lược hiệu quả. Chiến tranh du kích mục đích cốt lõi là làm hao tổn sinh lực địch để từ đó khiến địch lộ ra điểm yếu, sở hở để quân ta có thể ra đòn tấn công chí mạng khiến địch đại bại. Cuối cùng, hiểu được trận địa, Tôn Tử bí mật liên kết với hai nước nhỏ là Đường và Sái tạo thành liên minh chống Sở đây cũng chính là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong ngành, nhà cung cấp hay những khách hàng tiềm năng.

Chân dung tướng soái

Người chủ soái hay là người đứng đầu doanh nghiệp phải là người lãnh đạo tài tình, kiên nhẫn, tập trung và biết đoàn kết ba quân để đạt được mục đích lớn của đất nước. Để thực hiện thành công chiến lược của mình, Tôn Tử đã mất đến năm năm chờ đợi quân binh nước Sở mắc sai lầm nhưng các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp nhỏ thì thường vì những lợi ích trước mắt mà thay đổi đi định hướng chiến lược ban đầu khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội, nhân viên mất đi tinh thần. Tháng 12 năm 512 TCN, khi đó Ngô vương là Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Vũ chỉ huy quân tiêu diệt hai nước chư hầu của Nước Sở là nước Chung Ly và nước Từ. Trong lần cầm quân đầu tiên này, Tôn Vũ đã xuất sắc hạ gọn hai nước trên đồng thời thừa thắng chiếm được đất Thư thuộc nước Sở, lập công lớn, được Ngô vương ban thưởng. Vua Ngô muốn thừa thắng xông lên, tiến quân về kinh thành nước Sở nhưng Tôn Vũ ngăn cản, vậy là quân Ngô toàn thắng rút quân về nước. Ở đây có thể thấy bản lĩnh điềm tĩnh của Tôn Vũ, dù thắng không kiêu, điềm nhiên suy xét thiệt hơn của đại cục. Dù sao thì nước Sở tuy bại nhưng quân lực vẫn hùng mạnh, quân số đông hơn quân Ngô gấp bội.

Từ bối cảnh lịch sử, chúng ta đã hiểu được phần nào vì sao Binh pháp Tôn Tử đặc biệt hữu dụng với các doanh nghiệp khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ có tham vọng to lớn.

binh-phap-ton-tu-trong-kinh-doanh-4

Binh pháp Tôn Tử áp dụng trong đời thật

Câu chuyên của Netflix bắt đầu vào năm 1997 khi nhà sáng lập Reed Hastings phải nộp khoản tiền phạt trễ hạn 40 đô-la khi thuê bộ phim Apolo 13 từ một tiệm băng video. Lúc đó, ông bắt đầu suy nghĩ về tính khả thi của khái niệm thuê phim qua bưu tín. Hastings bắt đầu gửi các đĩa DVD cho chính mình qua đường bưu điện. Khi chúng được gửi đến trong tình trạng mới tinh, ông tin rằng mình đã khám phá ra được điều gì đó. Khi trả lời phỏng vấn chuyên mục CNN Money, Hastings mô tả khoảnh khắc sung sướng khi biết rằng việc đó có hiệu quả: “Năm 2003, tôi đến Arizona để thăm một trung tâm phân phối ở vùng ngoại ô thành phố Phoenix. Trời đang mưa và cây dù của tôi gặp vấn đề, vì thế tôi đã phải đi bộ dưới mưa gần một cây số từ trung tâm phân phối về khách sạn. Tôi nhận được tin nhắn trên chiếc BlackBerry của mình rằng chúng tôi đã đạt mốc một triệu người đăng ký sử dụng, ngay ngày tôi đi bộ dưới mưa đó. Trong khoảnh khắc thật đẹp này, tôi rất hãnh diện rằng chúng tôi đã làm được, và đó cũng là quý đầu tiên chúng tôi có lợi nhuận. Thật là một chuyến đi bộ vi diệu”.

Netflix đã định vị đúng đắn để thành công. Người tiêu dùng vô cùng khao khát về mặt giải trí, và hiện tại họ đang tận dụng ngày một nhiều dịch vụ phát trực tuyến. Ban lãnh đạo Netflix đã chứng minh kỹ năng của họ về việc xuất hiện đúng lúc với nhu cầu thị trường, ngay cả trước những lời chỉ trích. Quyết định quảng bá dịch vụ phát hành trực tuyến gây bất lợi cho việc kinh doanh DVD của mình đã gợi lên tâm trạng hoài nghi to lớn. Năm 2011, Hastings đã tách Netflix thành hai mảng kinh doanh, DVD và phát hành trực tuyến, đồng thời cho chúng cạnh tranh với nhau để phục vụ khách hàng. Đa phần khách hàng không lựa chọn cả hai nên họ phải chọn một.

Trước sự ngạc nhiên của những kẻ chỉ trích, Netflix đã tăng doanh thu và lợi nhuận khi khuyến khích khách hàng chuyển từ DVD sang dịch vụ phát hành trực tuyến. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta có thể hiểu tại sao quyết định này lại hiệu quả. Họ đã từ chối hy sinh sản phẩm yếu thế cho sản phẩm đang mạnh mẽ và phản đối vào việc dựa dẫm vào mô hình kinh doanh đang lỗi thời. Hastings có đã lấy doanh thu từ mảng DVD để xây dựng mảng phát hành trực tuyến đang phát triển nhanh hơn nhưng có lợi nhuận ít hơn. Netflix đã tăng thành công doanh số và lợi nhuận, đồng thời chuyển dịch thị trường từ DVD sang công nghệ phát trực tuyến. Đây là một cách thông minh họa cho cách bảo vệ cẩn thận đường tiếp tế quân nhu của Tôn Tử. Hiện nay, thị trường phát hành trực tuyến theo yêu cầu đang nóng lên vì sự cạnh tranh, nhưng Netflix vẫn duy trì địa thế thuận lợi của mình.

binh-phap-ton-tu-trong-kinh-doanh-5

Lời kết

Binh pháp Tôn Tử đã truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo và quản lý trên khắp thế giới qua những chiến lược lỗi lạc để dành chiến thắng dù đối thủ to lớn hay cường hãn thế nào. Chiến thuật, cách sắp đặt vị thế, khả năng lập kế hoạch, yếu tố lãnh đạo, … đều là những chìa khóa then chốt để có thể hạ gục kẻ địch mạnh mẽ và có nguồn lực dồi dào hơn. Việc sử dụng những chiếc chìa khóa như thế nào là của mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh của doanh nghiệp bạn đang phục vụ.

Cuốn sách “Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh” chỉ là phần mở đầu, gợi mở và là lý thuyết nếu như bạn không vận dụng nó vào công việc của mình thì cũng chỉ như nước chảy bèo trôi. Chính vì vậy, không có đúng sai, hãy cứ vận dụng nó vào trong công việc của mình một cách thường xuyên và đều đặn. Khi đã vận dụng thành thục bạn sẽ là một nhà chiến lược tài ba chèo lái doanh nghiệp của mình đến mục tiêu mà bạn mong muốn.

Binh pháp về bản chất là chiến lược, phương thức để làm một việc. Và đối với mỗi việc chúng ta đều có phương thức để làm việc đó có thể phức tạp có thể đơn giản tùy thuộc vào nội dung công việc như thế nào. Chính vì vậy nếu có thể hãy áp dụng nó vào mọi việc trong cuộc sống để tăng hiệu quả hoàn thành công việc và kết quả mà bạn mong muốn đạt được. Hơn nữa, nó sẽ giúp bạn có những góc nhìn mới lạ và thú vị về binh pháp.

Cảm ơn mọi người vì đã đọc hết bài review của mình. Rất mong sẽ nhận được những đóng góp và ý kiến của mọi người về bài viết và cuốn sách.

Bá Minh

Add Comment