Thông qua cuốn sách Sức mạnh của sự túng quẫn (The Power of Broke), Daymond John sẽ giúp cho độc giả hiểu được rằng, ngoài trách nhiệm pháp lý thì sức mạnh của sự túng quẫn thực sự chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của mỗi chúng ta. Điều này có nghĩa là sao? Đơn giản là, khi bắt đầu từ hai bàn tay trắng, chúng ta buộc phải suy nghĩ sáng tạo hơn và sử dụng nguồn tài nguyên của mình một cách hiệu quả nhất. Sự túng quẫn buộc chúng ta phải thành thực với chính bản thân mình, tập trung vào mục tiêu và đưa ra những giải pháp thông minh để tạo nên một dấu ấn có ý nghĩa.
Sẽ là một cái nhìn phiến diện nếu chúng ta nói rằng “Mình sẽ tốt hơn nếu bắt đầu từ con số 0”. Đôi khi, tiền có thể mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi thế. Chúng ta có thể được học ở trường tốt hơn, có các khoản hỗ trợ tài chính luôn sẵn sàng mỗi khi mọi thứ xung quanh không như ý, có thể kêu gọi đầu tư để bắt đầu khởi nghiệp hay gây quỹ nghiên cứu,…. Vô số lợi thế khác nữa khi có tiền.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, chẳng mấy người có may mắn khi sinh ra đã được “ngậm thìa vàng”, và với hầu hết chúng ta, con đường đi đến thành công đều bị mây mù che phủ.
SỰ THẬT: Năm 1982, hơn 60% trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes đến từ những gia đình giàu có, sau 30 năm chỉ còn lại 32%. Tài sản kế thừa không còn là mẫu số chung trong số những cá nhân và gia đình giàu có nhất. Phép tính này cho thấy 68% những người giàu nhất đều bắt đầu từ con số 0.
Các doanh nhân trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội thành công bất kể bối cảnh xuất thân của họ ở mức nào. Họ luôn có cơ hội, miễn là biết cách nắm bắt và thực hiện nó.
Một từ khiến chúng ta thức tỉnh
Khi chúng ta lớn lên trong tầng lớp nghèo khó, từ mà chúng ta phải nghe nhiều nhất có lẽ là từ “Không”. “Không, bạn không thể có được cái này!”; “Không, bạn không đủ tiền để mua thứ đó!”,…, và cho tới khi chúng ta nghe thấy từ “Có”, chúng ta có thể sướng đến “bật khóc nức nở” dù cho điều mà chúng ta đang theo đuổi có là gì đi chăng nữa.
Khi bạn nghe từ “Không” quá thường xuyên, bạn sẽ dần quen thuộc với nó. Nhưng từ “Có” – nó làm bạn thức tỉnh, khiến bạn tin rằng mọi việc đều có thể.
Khi lớn lên trong lợi thế, hầu như chẳng bao giờ chúng ta phải nghe thấy từ “Không”, vì vậy, khi những nguồn lực lợi thế xung quanh biến mất, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào tình huống khó khăn.
Chiến thắng giới hạn bản thân
Chiến thắng giới hạn bản thân sẽ tạo động lực giúp chúng ta vươn lên mỗi khi thất bại, tuyệt vọng và nghèo đói. Dù bạn là ai, và trong bất cứ tình huống nào, sức mạnh của sự túng quẫn đều có thể giúp ích cho bạn. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự túng quẫn cũng đem lại sức mạnh khổng lồ cho bạn. Bạn phải luôn sẵn sàng thử những cách tiếp cận mới, thích ứng với công nghệ và điều chỉnh tư duy của mình nhằm khai thác tối đa động lực đem lại từ sự túng quẫn.
Hiểu “Sự túng quẫn” thế nào cho đúng?
Nghèo đói có thể là một trong những động lực to lớn để bạn nỗ lực phát triển bản thân, không ngừng học hỏi và gia tăng năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là “Cứ nghèo đói thì sẽ ắt sẽ giàu”! Quan trọng là cách bạn tư duy và nhìn nhận vấn đề dựa trên tình trạng hiện tại của mình. Đó chính là sự khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại.
Sức mạnh của sự túng quẫn về bản chất chỉ là một khoảnh khắc lóe lên trong phút chốc. Nó có xu hướng thiên về sự sáng tạo hơn là sự chắc chắn. Nó nghiêng về sự may rủi hơn là an toàn. Và còn một điều nữa, đó chính là: Tiền của bạn sẽ cạn sạch chỉ trong một thời gian nhất định. Dù hầu bao của bạn có rủng rỉnh đến đâu thì cũng chẳng bao giờ là đủ cho tất cả đam mê, tài năng và quyết tâm để thành công về sau. Kể cả bạn có nguồn tài chính vững chắc hỗ trợ phía sau đi chăng nữa, điều này cũng không thể đảm bảo rằng bạn sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Xét cho cùng, đó là số tiền bạn cần để khởi nghiệp.
Yếu tố tạo nên sự khác biệt chính là số tiền bạn cần, chứ không phải số tiền bạn có.
Bạn phải đối mặt với nó. Khi đang ở thế bất lợi, khi cơ hội đã hết và khi bạn đã tiêu hết tới đồng tiền cuối cùng thì đó chính là thời điểm mà bạn phải thành công. Đơn giản vì khi đó bạn không còn bất cứ lựa chọn nào khác, do đó, bạn phải nỗ lực 200%, đầu tư nhiều hơn và chuyển sang guồng làm việc nước rút với toàn bộ khả năng của mình. Khi đó, sức mạnh của sự túng quẫn có thể hiểu là “cú đánh quyết định” mà bạn ghi được khi thời gian sắp hết và trận đấu đã đi đến hồi kết. Có hàng triệu lý do khiến bạn bỏ cuộc, chấp nhận thất bại, từ bỏ giấc mơ và đặt dấu chấm hết cho bất cứ thứ gì điên rồ mà bạn đang theo đuổi, nhưng sức mạnh của sự túng quẫn chính là lý do để bạn bước tiếp. Có thể bạn đã bị từ chối bởi 20 nhân viên tín dụng, nhưng biết đâu cơ hội đang chờ đợi bạn ở người thứ 21? Có thể dịch vụ của công ty bạn bị đả kích thậm tệ bởi 20 đối tác đầu tiên mà bạn chào hàng, nhưng biết đâu nó sẽ làm hài lòng đối tác thứ 21 – một đối tác có tiếng nói trong ngành? Hãy nhìn tấm gương J. K. Rowling – tác giả Harry Potter. Có một sự thật là, bản thảo Harry Potter đầu tiên của Rowling từng bị từ chối bởi 12 nhà xuất bản, nhưng bà vẫn kiên trì, để rồi đến bây giờ Harry Potter trở thành một trong những thiên truyện hay nhất mọi thời đại.
Dù điều tồi tệ nào xảy đến chăng nữa, hãy tiếp tục cố gắng. Đôi khi bạn lâm vào đường cùng, phải tiêu đến đồng tiền cuối cùng trong ví và chẳng còn chốn dung thân, nhưng hãy cứ lạc quan và nhìn về phía trước nếu bạn còn đang mong đợi một phép màu.
Daymond John truyền cảm hứng thông qua Sức mạnh của sự túng quẫn như thế nào?
Sức mạnh của sự túng quẫn được Daymond John viết ra dành cho tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Nếu bạn chỉ mới bắt đầu, không biết sẽ đi về đâu và làm thế nào để thể hiện dấu ấn cho riêng mình thì bạn sẽ tìm thấy những câu chuyện truyền cảm hứng giúp bạn đi theo con đường riêng chỉ bằng la bàn và đèn pin. Còn nếu bạn đã làm việc cả cuộc đời và muốn thay đổi, muốn tìm kiếm điều gì đó để ấp ủ những đam mê kinh doanh trước khi quá muộn thì bạn cũng sẽ được nghe những người giống như bạn – những người có thể đang đi vào ngõ cụt, cần được đánh thức và làm lại từ đầu.
Những câu chuyện truyền cảm hứng xuất phát từ sức mạnh của sự túng quẫn
Steve Aoki là cái tên không mấy xa lạ với cộng đồng yêu thích nhạc điện tử. Đối với Aoki, tìm kiếm một mục tiêu có ý nghĩa là tìm cách để tạo ra âm nhạc mà anh mong muốn. Mục tiêu mỗi khi đi ra ngoài là để có lần ra ngoài tiếp theo, nghĩa là một dự án cần phải kiếm đủ tiền cho dự án sau đó. Thậm chí khi cạn kiệt tài chính, Aoki vẫn chiến đấu đến cùng để tiếp tục. Cho đến khi Aoki tổ chức được vài sự kiện thì anh bắt đầu nghĩ về việc ra mắt nhãn hiệu đĩa của riêng mình, và khi thực hiện được điều đó, anh mới có thể nghĩ đến việc trả hết các khoản vay tín dụng và đăng ký giấy tờ. Bài học sâu sắc ở đây là: Bạn không cần phải thay đổi cuộc sống để hoàn thành mục tiêu, chỉ cần duy trì tốt là đủ. Hãy giữ vững niềm tin và ý chí cán đích, điều tốt đẹp sẽ đến.
“Nữ hoàng Selfie” Acacia Brinley cũng là một tấm gương điển hình trong vận dụng sức mạnh của sự túng quẫn. Điều này được đúc rút đầy đủ nhất thông qua câu nói ưa thích của Acacia: “Cố gắng thử và nhận lấy thất bại vài lần, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn”. Cô nhận ra điều đó khi trải qua hàng loạt sóng gió lúc tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng Acacia không bỏ cuộc chỉ vì những lời thóa mạ của nhóm người ghen ăn tức ở, những kẻ trốn sau máy tính và smartphone. Cô gái trẻ vẫn cần mẫn duy trì thói quen hàng ngày của mình. Để thành công trong lĩnh vực truyền thông xã hội này, bạn phải không ngừng nỗ lực.
Câu chuyện của Christopher Gray là một câu chuyện rất đáng đọc. Chris dành thời gian nghiên cứu hàng ngàn học bổng và tập trung tất cả những công việc đó lại để phát triển thành một kho dữ liệu tra cứu. Làm tất cả những công việc “siêu tẻ nhạt” đó – lục tìm từng cơ hội học bổng khả thi – là điều khiến Scholly không chỉ là ứng dụng đầu tiên kết nối học sinh, sinh viên với các học bổng mà còn là một trong những màn giới thiệu hay nhất từng thấy ở Shark Tank.
Câu chuyện về Ryan Deiss cũng được Daymond John đưa vào trong Sức mạnh của sự túng quẫn. Ryan là một nhà khởi nghiệp và tiếp thị trong lĩnh vực kỹ thuật số rất thành công. Với Ryan, mỗi lần kết thúc công việc thì anh lại đặt ra một mục tiêu cao hơn. Đầu tiên, anh cần 10.000 đô-la để mua nhẫn đính hôn cho bạn gái. Tiếp theo, anh cần 250.000 đô-la để trả phí quảng cáo. Sau đó anh lại cần thêm 250.000 đô-la để trả nợ cho IRS (Sở Thuế vụ). Mỗi lần, anh đều hướng tới một mục tiêu cụ thể, và khi anh phát triển dòng sản phẩm và dịch vụ của mình, các mục tiêu cũng ngày càng tăng lên. Nhưng Ryan tin rằng mình đã đạt được tất cả các mục tiêu đó. Anh tự giải phóng bản thân để bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một doanh nghiệp thực sự. Ở từng giai đoạn trong hành trình của Ryan, anh có thể xác định rất rõ ràng mục tiêu của mình. Tuy nó luôn thay đổi nhưng anh vẫn giữ được sự tập trung của mình. Đó là điều chúng ta cần làm để ghi nhớ nếu muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp kinh doanh.
Không dừng lại ở đó. Thông qua Sức mạnh của sự túng quẫn, Daymond John còn gửi gắm tới độc giả thêm một vài câu chuyện truyền cảm hứng nữa. Đó là những câu chuyện viết về:
1. Rob Dyrdek – Một vận động viên trượt ván, một nhà sản xuất và là một ngôi sao truyền hình thực tế
2. Gigi Butler – Một nhà khởi nghiệp, hiện đang là chủ tiệm bánh Cupcake với thương hiệu nổi tiếng Gigi’s Cupcakes
3. Jay Abraham – Ủy viên ban quản trị, là một chuyên gia tư vấn và phát ngôn viên nổi tiếng cho các công ty thuộc nhóm Fortune 500, là bậc thầy về tiếp thị trực tiếp
4. Kevin Plank – Nhà sáng lập và CEO của Under Amour
5. Moziah Bridges & Tramica Morris – Nhà thiết kế nơ với niềm đam mê mãnh liệt cho thời trang
6. Tim Ferriss – Một nhà văn, một diễn giả, một nhà khởi nghiệp và là một nhà đầu tư thiên thần
7. Josh Peck – Diễn viên hài nổi tiếng, một người có tầm ảnh hưởng lớn trên truyền thông xã hội
Kết
Xuyên suốt cuốn sách Sức mạnh của sự túng quẫn, chúng ta được đọc những câu chuyện truyền cảm hứng kể lại bởi tác giả Daymond John. Câu hỏi đặt ra là: Daymond John là ai?
Nếu bạn chưa biết thì Daymond John là một Shark trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank mùa thứ 11 của đài ABC (Mỹ). Daymond John không còn xa lạ gì với lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp. Trong suốt 20 năm qua, John đã đi lên từ việc may các biểu tượng lên mũ trong tầng hầm chật hẹp tới thiết lập một đế chế thời trang quốc tế, được mệnh danh là “Bố già của làng thời trang đô thị”. Ngoài sự thành công về phong cách, Daymond John còn trở thành một trong những chuyên gia về thương hiệu được yêu mến nhất trên thế giới, là diễn giả đầy tâm huyết và giàu sức thuyết phục. Từ một người chẳng có gì trong tay, khởi nghiệp từ 40 đô-la, Daymond John đã vận dụng sức mạnh của sự túng quẫn để bắt đầu sự nghiệp của mình. Xuất phát điểm từ một người bán áo phông dạo trên đường phố, giờ đây ông đã sở hữu khối tài sản khổng lồ, là chủ của thương hiệu FUBU lừng lẫy, tham gia vào kinh doanh đa lĩnh vực, từ thời trang, thực phẩm tới phần mềm.
Vậy sức mạnh của sự túng quẫn là gì? Nó có thực sự giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách khi chúng ta lâm vào bước đường cùng không? Câu trả lời được gói gọn trong cuốn sách Sức mạnh của sự túng quẫn.
- Review sách Quý ngài tài năng – Patricia HighSmith
- Review sách Người biến mất – Jeffery Deaver
- Lẽ Nào Tất Cả Đều Là Lỗi Của Tôi?
Từ khoá tìm kiếm: Xem review sức mạnh của sự túng quẫn, Sức mạnh của sự túng quẫn, review sách sức mạnh của sự túng quẫn, sách sức mạnh của sự túng quẫn, cuốn sách hay sức mạnh của sự túng quẫn, sách truyền cảm hứng, sách của Daymond John, mua sách sức mạnh của sự túng quẫn ở đâu, tìm sách sức mạnh của sự túng quẫn,…
Tác giả: DO / Theo Bookademy