Phát biểu cảm nghĩ về truyện cổ tích Thạch Sanh

Thạch Sanh là một truyện cổ tích thần kỳ, một câu chuyện cổ tích dân gian vô cùng đặc sắc gắn liền với kí ức tuổi thơ của mọi người Việt Nam trong kho tàng văn học dân gian. Hình ảnh chàng dũng sĩ Thạch Sanh chém Trăn tinh, bắn Đại bàng; cây đàn thần, niêu cơm thần của chàng dũng sĩ đã đem đến cho thế giới tuổi thơ bao kỳ thú, bao giấc mơ đẹp, ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng và tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.

 

>> Chia sẻ cảm nghĩ của em về truyện cổ tích tấm cám

 

cam-nhan-ve-truyen-co-tich-thach-sanh

 

“Đàn kêu : Ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang ?
Đàn kêu : Ai chém xà vương
Đem nàng công chúa triều đường về đây ?
Đàn kêu : Hỡi Lí Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân ?
Đàn kêu : Sao ở bất nhân
Biết ăn quả lại quên ân người trồng ?”

 

Chắc hẳn khi đọc những vần thơ này, một miền kí ức tuổi thơ của chúng ta lại hiện về với những trang truyện Thạch Sanh qua lời kể của bà, của mẹ bởi đây là câu chuyện cổ tích phổ biến, được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Truyện không chỉ hấp dẫn bởi những yếu tố li kì mà còn bởi giá trị nhân sinh mà nó mang lại. Một câu chuyện về thiện-ác ở đời, về cách đối nhân xử thế và trên hết là mong ước hòa bình, ước mơ về công lí xã hội của nhân dân.

 

Truyện kể về Thạch Sanh, một cậu bé mồ côi từ nhỏ, vốn là thái tử được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai làm con một gia đình tiều phu nghèo nhưng sống lương thiện. Chàng sống trong túp lều tranh với tài sản là chiếc rìu bố mẹ để lại. Được một người anh tên là Lí Thông kết nghĩa, vốn cuộc sống “tứ cố vô thân”, không nơi nương tựa nên Thạch Sanh vui vẻ nhận lời ngay và lấy làm cảm động vô cùng, nhưng cũng từ đó chàng phải chịu bao thách thức và khó khăn. Đó là khi phải thay hắn canh miếu thờ, giết chằn tinh mà thực chất là đem thân thế mạng. Xuống hang diệt đại bàng cứu công chúa rồi bị chính người anh mình tin cậy nhốt trong hang và lần vào ngục định mệnh khi bị hồn chằn tinh và đại bàng báo thù. Đây cũng chính là nơi chàng giải oan cho chính mình bằng tiếng đàn được vua Thủy Tề tặng. Vượt qua bao thử thách, gian nan, ta thấy được trong tâm hồn một chàng trai bất hạnh ấy bao phẩm chất tốt đẹp. Một đứa trẻ sớm mồ côi, chàng ao ước biết bao tình thương của người thân, được Lí Thông ngỏ lời kết nghĩa anh em, chàng đồng ý ngay mà chẳng chút do dự. Một con người thật thà lương thiện, sống có tình nghĩa và đầy bản lĩnh, biết giúp đỡ người khi gặp khó khăn hoạn nạn. Khi cứu công chúa và con vua Thủy Tề, chàng cũng không tham phú quý mà chỉ xin nhận một cây đàn thần rồi trở về gốc đa. Trái với một Thạch Sanh mưu trí, dũng cảm, lương thiện ấy là một Lý Thông- kẻ độc ác, hèn nhát, trục lợi, toan tính và đầy ích kỉ. Một kẻ kết thân với người khác chỉ để vụ lợi. Một kẻ sẵn sàng đẩy em mình vào chỗ chết chỉ để cứu sống bản thân mình. Một kẻ cướp công lao của người khác để lấy hư danh. Một kẻ giả nhân, giả nghĩa, vô dụng, cơ hội.  Và cuối cùng kẻ ác bao giờ cũng phải chịu hậu quả, người lương thiện sau cùng cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là quy luật của cuộc sống. Thạch Sanh được giải oan, cưới được công chúa xinh đẹp nết na trước sự khâm phục của mười tám nước chư hầu. Kẻ bại trận nhục nhã là mẹ con Lí Thông, dù được sự bao dung của Thạch Sanh nhưng ông trời đã không lượng thứ cho tội lỗi mà họ gây ra, nửa đường về bị sét đánh và biến thành bọ hung.

 

Công chúa Quỳnh Nga cũng là một nhân vật đẹp. Nàng bị Đại bàng bắt giữ, rồi được Thạnh Sanh cứu. Nàng hẹn kết duyên với Thạch Sanh, nhưng đã bị Lý Thông lừa gạt. Không thể nói ra được câu chuyện với ai, vì nếu nói cũng chẳng ai tin. Lý Thông có bao nhiêu thế lực, bao nhiêu kẻ hầu người hạ, chỉ sẽ nói tốt cho Lý Thông. Nhà vua chỉ có thấy Lý Thông đưa được con mình về chứ có thấy Thạch Sanh đâu. Sự đau đớn và bất bình của công chúa đã khiến cho nàng thành con người câm. Nàng từ chối không chịu theo Lý Thông, cũng là để giữ mối tình cảm của mình trong im lặng. Câm, thực ra là sự chung thuỷ không diễn đạt được bằng lời. Nàng chỉ nói khi nghe tiếng đàn Thạch Sanh. Truyện dân gian đã có cách thể hiện tình duyên thật kì diệu. Tiếng đàn là bằng chứng của hai tấm lòng cảm thông. Tiếng đàn khơi gợi tình yêu chân thành say đắm. Tiếng đàn làm cho người câm biết nói. Tiếng đàn làm rõ được trắng đen. Tiếng đàn là tiếng tơ lòng mà cũng là tiếng nói của chân lí. Tiếng đàn lại có một sức mạnh thần kì hơn nữa. Khi quân ngoại xâm kéo đến, Thạch Sanh đã dạo đàn lên. Tiếng đàn làm cho giặc khủng khiếp, thấy được gây sự đánh nhau là vô ích. Chúng xin đầu hàng. Tiếng đàn hoá thành một lợi khí dẹp mọi nguy nan. Đó là tiếng đàn địch vận. Thạch Sanh biết dùng âm nhạc để chinh phục lòng người. Anh còn có một phép lạ: chỉ nấu một niêu cơm mà bọn giặc đông hàng vạn người, ăn mãi không hết.

 

Niêu cơm Thạch Sanh tượng trưng cho của cải vô tận của nước nhà. Tiếng đàn Thạch Sanh và niêu cơm Thạch Sanh là hai vật quý có ý nghĩa tiêu biểu cho tinh thần hoà bình, cho khả năng vô tận của con người và đất nước Việt Nam. Thạch Sanh là một chàng dũng sĩ tiêu biểu cho dân tộc ta. Người Việt Nam yêu mến Thạch Sanh vì chàng hào hiệp cứu khốn phò nguy. Gặp chuyện bất bình, thay bọn người lay bọn quỷ làm hại đồng bào là Thạch Sanh xông vào tiêu diệt, không tính toán và không ham của cải, không cầu danh lợi, làm ơn không cần báo đáp và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ xấu, dù bọn xấu ấy chỉ một mực làm hại mình. Chàng còn tiêu biểu cho nguyện vọng yêu hòa bình, yêu tự do của dân tộc, và còn chứng minh cho sự bền bỉ, cho sự thịnh cường của đất nước. Hình ảnh Thạch Sanh với chúng ta luôn luôn hấp dẫn.

Mỗi tác phẩm đều chứa đựng những tầng ý nghĩa lớn lao và giá trị sâu sắc. Tác phẩm văn học hay là những tác phẩm soi rọi và cứu rỗi tâm hồn con người, làm cho con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Bằng những chi tiết thần kì như niêu cơm thần, cây đàn thần,…cốt truyện tuy đơn giản nhưng  hấp dẫn, xây dựng hệ thống nhân vật đối lập giữa thiện và ác, truyện cổ tích Thạch Sanh đã đưa lại cho chúng ta bài học về cách sống. Hãy sống thật thà và lương thiện, sống tình nghĩa với mẹ cha, anh em, bao dung với những lỗi lầm của người khác, ngay cả với những kẻ đối xử không tốt với mình. Hãy là những con người dũng cảm, lạc quan, vươn lên trước nghịch cảnh, khó khăn của cuộc sống. Sự an nhiên thanh thản trong tâm hồn sẽ không dành cho những kẻ độc ác, ích kỉ, trục lợi trên công sức lao động của người khác. Truyện còn giáo dục cho chúng ta về lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần nhân ái và đạo lí “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

 

Đọc truyện tại đây: https://truyenco.com/thach-sanh-a128.html

 

 

Add Comment