Tình bạn – Trích “Đời sống bí ẩn của cây”

“Nhưng tại sao cây lại là sinh vật có tính xã hội? Tại sao chúng lại chia sẻ thức ăn với cây cùng loài và thỉnh thoảng còn nuôi dưỡng cả đối thủ của chúng?”

Trích từ: Đời sống bí ẩn của cây

Tác giả: Peter Wohlleben

Đơn vị giữ bản quyền: Phương Nam Book

Phát hành: tháng 8.2019

Tình bạn

Nhiều năm trước, tôi tình cờ thấy một bãi đá hình thù kỳ lạ phủ đầy rêu tại một trong số những khu bảo tồn dẻ gai cổ thụ mọc ở cánh rừng tôi quản lý. Ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra mình đã từng đi qua bãi đá này rất nhiều lần mà chẳng hề lưu tâm đến nó. Nhưng ngày hôm đó, tôi đã dừng lại và cúi xuống để nhìn thật kỹ. Các tảng đá có hình dạng khác thường: Chúng hơi cong và có nhiều vùng rỗng bên trong. Thật cẩn thận, tôi gạt rêu trên một trong những tảng đá ra. Thứ tôi thấy bên dưới lớp rêu là vỏ cây. Vậy hóa ra chúng chẳng phải là đá, mà là những khối gỗ già. Tôi đã ngạc nhiên trước độ cứng của những “viên đá” này, vì thường chỉ cần ít năm thôi là gỗ dẻ gai nằm trên nền đất ẩm đã phân hủy. Nhưng điều tôi ngạc nhiên nhất chính là việc tôi không thể nâng nổi khối gỗ lên. Rõ ràng là nó đã bám chặt vào đất bằng cách nào đó.

tinh-ban-trich-doi-song-bi-an-cua-cay

Tôi lấy con dao bỏ túi ra và cẩn thận cạo đi một ít vỏ cây cho đến khi chạm đến lớp có màu hơi lục. Lục ư? Màu này chỉ tìm được trong chất diệp lục – thứ tạo nên màu xanh của lá non; chất diệp lục cũng được trữ trong phần thân của những cây còn sống. Điều này có nghĩa là: Khúc gỗ này vẫn còn sống! Tôi đột nhiên chú ý thấy những “viên đá” còn lại tạo thành hình rõ rệt: Chúng xếp thành một vòng tròn với đường kính khoảng 5 feet (152,4 cm). Thứ mà tôi tình cờ tìm thấy lại là phần “xương xẩu” sót lại của một gốc cổ thụ khổng lồ. Tất cả những gì còn lại là vết tích của phần rìa ngoài cùng. Phần bên trong đã hoàn toàn mục rữa thành đất mùn từ rất lâu – dấu hiệu rõ ràng cho thấy cây có lẽ đã ngã xuống ít nhất bốn hay năm trăm năm trước đó. Nhưng làm thế nào mà phần còn sót lại này có thể tiếp tục sống lâu đến thế?

Tế bào sống cần có thức ăn dưới dạng đường, chúng phải thở, và phải phát triển thêm, ít nhất cũng phải lớn hơn được một chút. Nhưng không có lá – và vì vậy không có sự quang hợp – thì việc đó là không thể. Không sinh vật nào trên hành tinh của chúng ta có thể nhịn đói hàng thế kỷ, thậm chí tàn tích của một cái cây cũng chẳng thể, và chắc chắn một gốc cây càng không tồn tại được đến giờ nếu chỉ dựa vào mình nó. Rõ ràng là có điều gì khác đang xảy ra với gốc cây này. Chắc hẳn nó đã nhận được sự giúp đỡ từ những cây sống xung quanh, cụ thể là từ rễ của chúng. Các nhà khoa học nghiên cứu những tình huống tương tự đã phát hiện sự giúp đỡ có thể đến từ rất xa thông qua hệ thống nấm nằm quanh các đầu rễ – thứ tạo điều kiện cho việc trao đổi dưỡng chất giữa các cây – hoặc có thể đến từ chính sự liên kết giữa các sợi rễ của chúng. Trong trường hợp của gốc cây mà tôi tình cờ bắt gặp, tôi không thể khám phá được điều gì đang diễn ra, vì tôi không muốn làm gốc cây già bị thương khi đào xới xung quanh nó, nhưng có một điều rõ ràng rằng: Những cây dẻ gai xung quanh đã bơm đường cho gốc cây này để giữ nó sống sót.

Nếu nhìn vào những bờ đắp bên đường, bạn có lẽ sẽ thấy được cách mà cây cối kết nối với nhau thông qua hệ thống rễ của chúng. Ở những độ dốc này, mưa thường rửa trôi đất, khiến mạng lưới rễ ngầm dưới đất lộ ra. Các nhà khoa học tại dãy núi Harz ở Đức đã khám phá ra rằng điều này thực sự là minh chứng cho cách sống phụ thuộc lẫn nhau, và hầu hết các cá thể cây cùng loài mọc ở cùng vị trí sẽ kết nối với nhau thông qua hệ thống rễ của chúng. Dường như việc trao đổi dưỡng chất và trợ giúp hàng xóm khi cần chính là luật lệ, điều này dẫn đến kết luận rằng rừng là xã hội hữu cơ có kết nối nội bộ rất giống với tổ kiến.

Tất nhiên, rất hợp lý nếu hỏi rằng liệu có thể rễ cây chỉ đơn giản lang thang lòng vòng không mục đích dưới mặt đất rồi kết nối lại khi chúng tình cờ gặp được rễ cây khác cùng loài hay không? Một khi đã kết nối, chúng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trao đổi dưỡng chất. Chúng tạo nên thứ giống như mạng xã hội, nhưng điều chúng trải qua chỉ đơn thuần là tình cờ cho và nhận. Trong trường hợp này, sự gặp gỡ tình cờ thay thế cho hình ảnh đầy cảm động về việc chủ động hỗ trợ, mà dù chỉ gặp gỡ tình cờ thì vẫn đem lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái khu rừng. Nhưng thiên nhiên phức tạp hơn thế nhiều. Theo Massimo Maffei của Đại học Turin, thực vật – bao gồm cây – có khả năng tuyệt vời trong việc phân biệt rễ của bản thân chúng với rễ của những loài khác, và thậm chí với rễ của những cá thể cùng họ.

Nhưng tại sao cây lại là sinh vật có tính xã hội? Tại sao chúng lại chia sẻ thức ăn với cây cùng loài và thỉnh thoảng còn nuôi dưỡng cả đối thủ của chúng? Nguyên nhân cũng tương tự như cộng đồng loài người: Làm việc cùng nhau có lợi hơn. Một cây làm chẳng nên rừng. Chỉ một mình, cây không thể thiết lập khí hậu khu vực phù hợp. Nó sẽ phải phó thân cho gió và thời tiết. Nhưng cùng nhau, nhiều cây sẽ tạo thành một hệ sinh thái giúp làm dịu cái nóng cực độ hay cái lạnh buốt xương, giúp lưu giữ thật nhiều nước, và sản sinh thật nhiều hơi ẩm. Trong môi trường được bảo vệ này, cây có thể sống mãi đến khi thành cổ thụ. Để sống được đến đó, cộng đồng cây phải còn nguyên vẹn dù bất cứ giá nào. Nếu mỗi cây đều chỉ biết tự lo thân mình, thì khá nhiều trong số chúng sẽ chẳng bao giờ có thể thành cổ thụ. Nhiều cây chết thường xuyên sẽ tạo ra những khoảng trống lớn trên tán rừng khiến bão có thể dễ dàng lọt vào trong và làm bật rễ nhiều cây hơn. Cái nóng của mùa hè cũng sẽ tràn xuống nền rừng và khiến nó bị khô hạn. Tất cả cây trong rừng đều sẽ chịu tổn thất.

Mỗi cây, vì vậy, đều có giá trị đối với cộng đồng và đáng được giữ lại càng lâu càng tốt. Đây là lý do vì sao ngay cả những cây bị bệnh cũng được hỗ trợ và nuôi dưỡng cho đến khi chúng bình phục. Lần sau, có lẽ sẽ ngược lại: Cây từng hỗ trợ cây khác có thể trở thành cây cần được giúp đỡ. Khi những cây dẻ gai rậm rạp màu xám bạc này cư xử như vậy, chúng làm tôi nhớ đến đàn voi. Cũng như đàn voi, chúng biết tự chăm sóc bản thân và giúp đỡ những thành viên bị bệnh hoặc yếu sức hồi phục. Chúng thậm chí rất miễn cưỡng khi phải bỏ lại thành viên đã chết.

Tuy mỗi cây là một thành viên của cộng đồng, nhưng lại có nhiều hạng thành viên khác nhau. Ví dụ, hầu hết các gốc cây đều sẽ mục rữa thành đất mùn và biến mất trong vòng vài trăm năm (đây chẳng phải là thời gian quá dài đối với cây). Chỉ có một số ít duy trì được sự sống qua hàng thế kỷ, giống như những “viên đá” phủ đầy rêu mà tôi vừa mô tả. Vậy sự khác nhau là gì? Không lẽ xã hội của cây cũng có công dân hạng hai như xã hội loài người? Có vẻ là vậy, mặc dù khái niệm “thứ hạng” chưa thực sự phù hợp lắm. Đúng hơn là mức độ kết nối – hay thậm chí có lẽ là tình cảm – mới là thứ quyết định một cây xanh nhận được bao nhiêu giúp đỡ từ các “cộng sự” của mình.

Bạn có thể tự kiểm tra điều này đơn giản bằng cách nhìn lên tán rừng. Một cây bình thường sẽ cứ mọc cành ra cho đến khi chạm phải đầu cành của cây hàng xóm có cùng chiều cao. Nó không xòe rộng ra nữa vì không khí và ánh sáng tốt hơn trong không gian này đã bị lấy đi. Tuy nhiên, nó lại “gia cố” thật kỹ những cành đã vươn dài, do đó bạn sẽ cảm thấy trên tán rừng như có một trận “so tài” chen lấn. Nhưng một đôi bạn thật sự sẽ cẩn thận ngay từ đầu không đâm những cành quá rậm rạp về phía nhau. Cây không muốn lấy đi bất cứ thứ gì từ bạn mình, nên chúng chỉ phát triển các cành cứng chắc ở rìa ngoài tán lá, nghĩa là, hướng về phía những cây “không phải bạn bè”. Những đôi bạn thế này thường có rễ liên kết rất chặt và thỉnh thoảng chúng thậm chí chết cùng nhau.

Thông thường, tình bạn sâu nặng đến mức phần gốc trơ lại vẫn được chăm sóc có thể chỉ hình thành trong những khu rừng chưa bị khai phá. Cũng có thể tất cả loài cây đều làm điều này chứ không chỉ riêng gì loài dẻ gai. Tôi từng tự mình quan sát phần gốc cây sồi, lãnh sam, vân sam và linh sam Douglas còn sống sót rất lâu sau khi bị chặt. Cây trong các khu rừng được trồng – hầu hết là các rừng cây lá kim ở Trung Âu, cư xử giống như “những đứa trẻ đường phố” mà tôi mô tả trong chương 27. Do rễ bị tổn thương không thể phục hồi lúc được trồng, nên chúng dường như không có khả năng tạo ra mạng lưới kết nối với nhau. Thông thường, cây trong những khu rừng được trồng như thế cư xử giống những kẻ cô độc và chịu tổn thương vì sự cô lập này. Và kiểu gì thì hầu hết chúng cũng chẳng bao giờ có cơ hội trở thành cổ thụ. Dựa theo chủng loài, những cây này sẽ được đánh giá là sẵn sàng để thu hoạch khi chúng chỉ khoảng một trăm tuổi.

-Còn tiếp-

Tác phẩm được trích đăng với sự đồng ý của Phương Nam Book.

Nguồn: Bookish.vn

Amrita (Banana Yoshimoto) – Nước thánh cho tâm hồn

1 lít nước mắt – Những khác biệt giữa phim và đời thực

Review sách: Bạn chỉ tưởng là mình đang rất cố gắng

Phố Cannery Row: Lại một lần nữa John Steinbeck nói về cái bần cùng và phẩm giá trầm lặng

Review sách: Destination – Bước Ra Thế Giới

Add Comment