Tại sao cứ phải sống theo khuôn mẫu người khác đặt ra?

Nếu ai đã từng tìm hiểu hoặc nghiên cứu về tâm lý học của Freud thì quyển “Dám bị ghét” dựa theo tâm lý học của Adler sẽ có nhiều chủ đề gây tranh cãi.
Đối với một quyển sách có nhiều tư tưởng mới như quyển “Dám bị ghét” thì việc sử dụng lối viết đối thoại (giữa vị triết gia và chàng thanh niên) sẽ giúp người đọc như đặt mình vào cuộc trò chuyện, như chính mình đang được phản biện, đang dùng quan điểm của mình để tìm câu trả lời từ vị triết gia.
dam-bi-ghet
– Tâm lý học của Adler phủ phận “thuyết nguyên nhân” để phát triển “thuyết mục đích”. Nếu áp dụng thuyết mục đích vào thực tại thì sẽ không còn tồn tại việc đổ lỗi hay oán trách. Thay vào đó là những quyết định từ chính suy nghĩ của bản thân. Giúp cách nhìn nhận trở nên khách quan hơn.
-Sách cũng phủ nhận “sang chấn tâm lý”- một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất. Hẳn sẽ là “sang chấn” nếu không đủ dũng cảm để vượt qua. Với tư tưởng của Adler thì những trải nghiệm xảy ra trong quá khứ không phải là điều quyết định hiện tại. Ý nghĩa của nó như thế nào đều là do mình lựa chọn mà thành.
Bởi vậy mà người ta nói về Adler là nhà tâm lý của lòng can đảm. Phải can đảm lắm mới có thể phủ nhận hoàn toàn về sang chấn tâm lý như vậy.
– “Mọi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người”. Trong bất cứ nỗi phiền muộn nào cũng có bóng dáng của một ai đó, từ ánh mắt, câu nói, sự so sánh, việc cho-nhận tình cảm hay nhiều điều khác cũng sẽ là nguyên nhân phát sinh những phiền muộn.
Chính vì vậy mà việc “phân chia nhiệm vụ” giữa người với người là việc cần thiết.
Sống hết mình với những hạnh phúc lành mạnh của bản thân là đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Việc người khác đánh giá, nhìn nhận ra sao là nhiệm vụ của họ.
Nếu ngộ nhận nhiệm vụ của người khác là của mình hoặc quá để tâm tới nhiệm vụ của người khác sẽ khiến cuộc đời trở nên khổ sở.
– Sống không để đáp ứng mong đợi của người khác, phủ định “nhu cầu được thừa nhận”. Cách sống mong được thừa nhận chịu ảnh hưởng bởi giáo dục thưởng-phạt, được khen thì sẽ làm và ngược lại. Sống luôn để ý đến đánh giá của người khác, vô tình coi nhẹ cuộc sống của chính mình. Việc người khác làm điều (lành mạnh) mình không muốn, đó là điều hiển nhiên. Và mình cũng không có gì bất thường khi làm điều mà người khác không muốn. Vậy nên cứ thoải mái một chút.
– SỢ BỊ GHÉT là cách sống thiếu tự do, không dám theo đuổi cách sống của mình, dần dà khiến bản thân trở nên nhàm chán, không chính kiến và bị lệ thuộc.
Nên quan tâm tới việc “mình như thế nào” hơn là “người khác đánh giá mình ra sao”.
– Giá trị bản thân: Khi cảm thấy bản thân kém cỏi, không có giá trị gì thì chỉ cần suy nghĩ đơn giản rằng “mình có ích cho một ai đó” thì vấn đề sẽ bớt căng thẳng hơn. Ví dụ chỉ cần bạn còn sống, cũng đã là niềm hạnh phúc lớn lao đối với người thân của mình rồi.
Nếu cứ khăng khăng dựa vào “cấp độ hành vi” để đánh giá thì dễ rơi vào cảm giác bản thân mất giá trị và kém cỏi. Hãy nhìn nhận nó ở “cấp độ tồn tại” để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
– Thay vì nhìn về quá khứ không thể thay đổi, hay tương lai chưa thể biết trước thì việc sống hết mình “ngay tại đây, vào lúc này” là cách sống nghiêm túc, trân trọng những gì mình đang có. Nhìn nhận để trau dồi, cố gắng ở thời điểm hiện tại, sẽ không phải hối tiếc, “cuộc đời kết thúc ở tuổi 20 cũng như cuộc đời kết thúc ở tuổi 90 đều là cuộc đời trọn vẹn, cuộc đời hạnh phúc”.
– Vì ý nghĩa cuộc đời vốn không tồn tại một điều nào đó được xác định chung cho tất cả, mỗi người một hoàn cảnh, vậy nên bản thân cũng may mắn có đặc ân được tạo ra ý nghĩa cho chính cuộc đời của mình.
“Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại”- Adler.
– Không để lạc lối, không đánh mất cái tôi thuần khiết, được sống cuộc đời tự do, được cống hiến và phát triển thì việc “ai ghét mình thì cứ để họ ghét” thôi. Hà cớ gì mà bận tâm rồi gây phiền muộn.
“Dám bị ghét” hẳn là một điều can đảm để được sống với tự do của mình.
Ngoài ra còn rất nhiều điều thú vị khác chưa được nhắc tới. Nếu bạn nào quan tâm tới tâm lý con người thì thử tham khảo quyển này nhé.

Add Comment