Review sách: Hệ Miễn Dịch – Tác giả Daniel M. Davis

[REVIEW SÁCH: HỆ MIỄN DỊCH]
Tựa gốc: The Beautiful Cure – Harnessing Your Body’s Natural Defences
Tác giả: Daniel M. Davis
Dịch giả: Trương Duy Hiệu, Trần Tuấn Hiệp
Đơn vị phát hành: Omega+
NXB: Dân Trí
Năm Xuất Bản: 2020
Khổ giấy: 16 x 24 cm, bìa mềm
ISBN: 978-604-88-9097-1
Số trang: 300 (Nội dung đến trang 244, phần còn lại là lời cảm ơn, chú giải, tài liệu tham khảo)
Giá bìa: 149.000 VNĐ
Thể loại: Khoa học, Sức Khỏe, Miễn Dịch.
Đánh giá chất lượng in: Chất lượng in tốt, bố cục dễ đọc, Mục lục như hình up kèm.
ĐÁNH GIÁ: 8/10 về nội dung.

review0-sach-he-mien-dich

Đây là quyển sách khoa học thường thức đầu tiên mà mình đọc về Hệ Miễn Dịch. Tác giả viết khá mượt, lồng ghép nhiều câu chuyện, kể lại một số cuộc đua tranh trong quá trình nghiên cứu phát triển ở lĩnh vực Miễn Dịch Học. Bên cạnh đó là một số nhận xét, cảm nhận, tự luận và chia sẻ của tác giả về các vấn đề trong khoa học cũng như trong cuộc sống.
Do đặc điểm tên gọi của các tế bào, thụ thể, Gen, ký hiệu v.v…phức tạp và khó nhớ nên người đọc có thể tìm hiểu thêm trước 1 số kiến thức về Gen, Di Truyền để có thể hiểu trọn vẹn quyển này hơn.
Một gợi ý là quyển “Gen – Lịch sử và tương lai của nhân loại – Tác giả Siddhartha Mukherjee, mình đánh giá quyển “Gen” cao hơn vì tác giả viết không những mượt mà còn rất hay, lồng ghép câu chuyện cá nhân và khoa học, đọc nhiều lúc còn cảm giác như tiểu thuyết 😀.
Điểm trên Goodreads của quyển này khá cao 4.1*, với 272 đánh giá
REVIEW:
Có một câu chuyện được share rất nhiều trên mạng về việc người mẹ giận dữ cho đứa con sơ sinh bú, khiến đứa bé chết vì “chất độc” trong sữa của người mẹ. Sau đó là lời khuyên không nên cho trẻ sơ sinh bú sữa lúc giận dữ, bên cạnh đó, tùy theo người viết bài, sẽ bonus thêm 1 số thông tin khác về tác hại của cơn giận…v.v…
Câu chuyện này tùy người share và xào nấu lại, nhưng nguồn gốc CÓ LẼ là từ những lời huấn thị của Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Lục, mình copy nguyên văn: “tôi thấy một cuốn sách nói: “Một phụ nữ Âu Tây tánh tình nóng nảy quá mức, [ngày nọ] vừa nổi nóng xong, cho con bú, đứa bé chết ngay, chẳng biết vì nguyên do gì. Về sau lại sanh đứa khác, lại nhân lúc nóng giận xong cho con bú, [đứa bé] chết tươi; bèn đem sữa đi xét nghiệm thì thấy có chất độc, mới biết cả hai đứa con đều chết vì bú sữa độc”.
Câu hỏi mình bật ra trong đầu là: Liệu câu chuyện này có thật hay chỉ là phúng dụ để giúp người nghe dễ hiểu và dành thời gian-nỗ lực kiểm soát cơn nóng giận? Câu chuyện xảy ra ở đâu? Thời gian nào? Sách của Đại Sư đọc tên gì và chất độc trong sữa khi người mẹ giận dữ là gì?
Tìm hiểu kỹ hơn, thì điều này là không thể xảy ra vì không có cơ chế khoa học nào đứng đằng sau quan hệ nhân quả “mẹ giận dữ —>sữa trở nên độc” cả. Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm. Nguồn dẫn của Đại Sư cũng là gián tiếp, truyền miệng, và theo mình, mang tính phúng dụ nhiều hơn. Cũng có thể là đứa trẻ sơ sinh chết vì những lý do vật lý khi người mẹ “bùng nổ”, giận mất khôn…
Giận dữ, stress, hay căng thẳng nói chung thực sự là không tốt cho sức khỏe. Khi đó, nồng độ hormone Cortisol từ tuyến thượng thận tăng cao, khiến tăng huyết áp, tăng đường huyết và…giảm Miễn Dịch. Nói chung, tác động của cơn giận, dù là bùng nổ hay bực bội thường xuyên đều không tốt cho sức khỏe và Miễn Dịch.
Mức độ ảnh hưởng của stress, giận dữ cực kỳ khó định lượng, phụ thuộc vào từng cá nhân, với nhiều biến số về lối sống, sức khỏe, thời điểm, hoàn cảnh…thậm chí là phụ thuộc vào tri thức và quan điểm sống…
Mình không có ý đánh giá lời khuyên của Đại Sư là sai hay phản khoa học vì mục đích và động cơ của Ngài là tốt đẹp với mong muốn giảng giải cho mọi người tránh việc nóng giận quá mức. Hơn nữa, Ngài không phải là Nhà Khoa Học.
Mình nghĩ ngay đến câu chuyện này khi đọc ở chương 5: “Sốt, stress và sức mạnh của tâm trí”.
Quay lại quyển sách này thì tổng thể mình đánh giá cao tác giả Daniel M. Davis khi nhiều nhận định, kết luận liên quan đến các công trình nghiên cứu Miễn Dịch được đề cập trong sách…đều không chắc chắn…
Đó mới là khoa học.
Khoa học bắt đầu từ những điều/hiện tượng chưa biết giống như đi lạc vào một khu rừng rậm không có đường mòn…Các nhà khoa học đầu tiên phải xác định xem mình đang đứng ở đâu, đang có trong tay phương tiện gì, sau đó tìm cách định ra phương hướng, rồi hình dung ra con đường mình sẽ đi bằng cách xây dựng nên các giả thuyết.
Bắt tay vào nghiên cứu nghĩa là mò mẫm từng bước một, bằng cách thử và sai – vì không có cách nào khác (không có sẵn đường mòn) tìm cách chứng minh giả thuyết, hay con đường của mình là đúng.
Và rất thường xuyên, khi tìm ra 1 manh mối khả dĩ, nó lại dẫn đến hàng chục, hàng trăm vấn đề khác cần phải đào sâu tìm hiểu thêm mới có thể hiểu được manh mối đó.
Một kết luận khoa học được xem là ĐÚNG khi tất cả các nhà khoa học ở bất kỳ nơi đâu, đều có thể lặp lại thí nghiệm ban đầu của người công bố và đạt được kết quả tương tự…cho đến khi có một nhà khoa học nào đó chứng minh nó là SAI trong điều kiện và bối cảnh khác…Để rồi khoa học càng ngày càng tiến bộ…
Khoa học nghiên cứu Miễn Dịch cũng vậy, nó chỉ là lát cắt rất nhỏ trong hàng tỷ tỷ tỷ vấn đề của tự nhiên nói chung và sức khỏe con người nói riêng. Ngành khoa học này vẫn còn tương đối mới mẻ và chỉ được phát triển mạnh mẽ vào những năm 1950 sau khi kính hiển vi điện tử trở nên phổ biến giúp các nhà khoa học nhìn sâu vào các tế bào, các thụ thể, các gen và cơ chế hoạt động của Tiểu Vũ Trụ sâu bên trong các tế bào.
Con người chỉ có thể đặt chân lên mặt trăng, quan sát vũ trụ khi có đủ các phương tiện như tàu vũ trụ, tên lửa và kính thiên văn hiện đại..Các nhà khoa học Miễn Dịch cũng thế, họ chỉ có thể có những khám phá bước ngoặc khi có những trang bị, công nghệ, phương tiện phù hợp…Điều này đòi hỏi kiến thức tổng hợp từ nhiều lĩnh vực khác, đòi hỏi nguồn tài chính cực kỳ lớn, đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ kiến thức thay vì cạnh tranh để giành được tiền tài trợ dự án như một số câu chuyện trong sách có đề cập đến.
Như mình có nói ở trên, đối với các nhà khoa học, thái độ hoài nghi lành mạnh về các công trình của bản thân cũng như của những bậc tiền bối là cực kỳ quan trọng. Bởi thế, trong các báo cáo, công bố khoa học đúng nghĩa, điều mà người ta sẽ thấy là chi tiết cách tiến hành nghiên cứu, thời gian, khía cạnh kiểm soát và không kiểm soát được trong nghiên cứu… cuối cùng là những kết luận đúng/sai theo xác suất thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm.
Chứ không có kết luận theo kiểu nhân-quả rõ ràng đơn giản như các bài viết đầy rẫy trên Facebook và báo chí lá cải.
Các nhà khoa học cần phải rất dũng cảm, kiên trì, đam mê khi dấn thân vào những điều chưa biết, bảo vệ “đứa con” tinh thần là lý thuyết khoa học của mình cho đến khi nó “cứng cáp” và được thừa nhận để áp dụng vào thực tế. Đôi khi phải mất vài chục năm và bao nhiêu công sức, tiền bạc…Nhiều người còn bị trầm cảm, điên loạn vì điều đúng đắn mình đang ra sức bảo vệ bị từ chối, dè bỉu. Họ còn phải dũng cảm hơn nữa để dẹp bỏ “đứa con” đó khi nó sai, không hiệu quả hoặc gây hại…
Khoa học càng tiến bộ, càng phát triển thì người ta càng nghiên cứu sâu vào những ngóc ngách phân nhánh của từng lĩnh vực và CÀNG PHỨC TẠP. Khoa học nghiên cứu Miễn Dịch cũng không ngoại lệ. Mình cũng không thể review hay giải thích từng phần trong sách cho mọi người được, nhưng khi đọc, các bạn sẽ phần nào hiểu được vai trò to lớn và sự phức tạp của Hệ Miễn Dịch trong cơ thể con người.
Hệ Miễn Dịch không chỉ đơn giản là đội quân chống lại bệnh tật theo kiểu “mình uống đi cho khỏe” – càng khỏe càng tốt mà đa phần mọi người vẫn nghĩ.
Hệ Miễn Dịch, với hàng trăm, hàng nghìn loại tế bào khác nhau, cùng với vô số thụ thể và bị CHI PHỐI – TƯƠNG TÁC – ĐIỀU HÒA bởi hệ gen bên trong và môi trường bên ngoài tế bào (thức ăn, vi khuẩn, vi rút, bệnh tật…). Bởi thế, khi phát hiện ra một tế bào Miễn Dịch mới, một thụ thể mới hay một Gen liên quan tới Miễn Dịch mới…. thì rất khó cho các nhà khoa học để có thể hiểu hết và khẳng định chắc chắn về cách thức hoạt động-tương tác-phối hợp của nó, nhất là điều này lại diễn ra sâu bên trong môi trường tế bào, bên trong cơ thể người.
Thực tế là chưa có phương thuốc nhân tạo nào hiệu quả hơn Miễn Dịch Tự Thân. Điều đáng buồn là hệ thống này cực kỳ hiệu quả nhưng không hoàn hảo. Có rất nhiều lý do khiến nó bị lỗi. Khi thì nó “quá mạnh-phản ứng quá mức” dẫn đến các bệnh dị ứng, viêm nhiễm và cả bệnh tự miễn tấn công vào các mô cơ quan khỏe mạnh. Khi thì nó quá thụ động, trơ lì, không có phản ứng kịp thời trước những virus, vi khuẩn, mầm bệnh “quỷ quái”, nhất là các khối u và tế bào ung thư (vì bản chất vẫn là tế bào bình thường bị đột biến tăng sinh).
Khi ngày càng hiểu hơn về hệ thống cực cực kỳ phức tạp này, các nhà khoa học rất lạc quan về tiềm năng của liệu pháp Miễn Dịch trong việc điều trị và phòng chống bệnh tật. Gần đây nhất là giải Nobel Y Sinh năm 2018 về kháng thể chặn thụ thể CTLA-4 mở khả năng lợi dụng hệ thống Miễn Dịch tự thân để chống lại các tế bào, các khối u ung thư thay vì dùng các biện pháp hóa-xạ trị độc hại đối với cơ thể.
Bên cạnh sự lạc quan thì khi quay lại thực tế, để khai thác được tiềm năng của hệ Miễn Dịch một cách hiệu quả, chuẩn xác, sẽ còn rất xa, còn rất nhọc nhằn. Rất nhiều trường hợp, khi chỉnh sửa Miễn Dịch được thí nghiệm trong điều kiện nuôi cấy và áp dụng trên động vật thì có kết quả rất tốt, nhưng khi bước vào thử nghiệm lâm sàng trên người thì hiệu quả rất thấp, chưa kể tác dụng phụ độc hại, không mong muốn mà các nhà khoa học chưa lường trước được.
Cuối cùng, mình nhớ nhất đoạn trích dẫn câu nói của George Mallory, người đã chết trên đỉnh Everest. Khi được hỏi vì sao ông lại muốn leo lên khám phá nó. Ông chỉ đơn giản trả lời là “Because it is there”- Bởi vì nó ở đó.
Hệ Miễn Dịch nó cũng đang ở đó, cần thêm nhiều người, nhiều nguồn lực, nhiều nghiên cứu, nhiều thời gian hơn để khám phá. Với hy vọng rằng, bằng việc hiểu biết sâu hơn về Hệ Miễn Dịch, con người có thể can thiệp một cách hiệu quả giúp chữa bệnh, phòng tránh bệnh tật, cải thiện sức khỏe, gia tăng chất lượng sống…vì chúng ta chỉ có duy nhất 1 cuộc đời để sống.

Nguồn: Nguyễn Thái Khâm Khamnt

Add Comment