Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 từ đạt điểm cao

Trong cấu trúc đề thi THPT môn Ngữ văn hiện nay thường xuất hiện dạng bài nghị luận xã hội với câu hỏi viết đoạn văn 200 chữ. Dù viết đoạn văn nghị luận xã hội chỉ chiếm hai điểm nhưng để đạt hai điểm trọn vẹn không phải là chuyện dễ dàng.

Vì vậy trong bài viết này là chia sẻ kinh nghiệm, giúp các em có kĩ năng, phương pháp viết đoạn nghị luận xã hội tốt, đây là những cách dễ hiểu nhất nhất để giúp các em chinh phục kỳ thi THPT quốc gia đạt điểm cao nhé.

cach-viet-doan-van-nghi-luan-xa-hoi-200-chu-dat-diem-cao
A. Biểu điểm câu nghị luận xã hội của Bộ:
– Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: 0.25 điểm.
– Xác định đúng vấn đề nghị luận: 0.25 điểm.
– Triển khai vấn đề nghị luận: 1,0 điểm.
– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt: 0.25 điểm.
– Sáng tạo: 0,25 điểm
B. Một số điểm cần lưu ý:
– Thí sinh cần trình bày trong 1 đoạn văn, không được ngắt xuống dòng.
– Đề bài yêu cầu viết khoảng 200 chữ, nghĩa là có thể viết trên hoặc dưới 200 chữ, miễn viết đúng, đủ, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Tuy nhiên, tránh viết đoạn văn quá dài như một bài văn thu nhỏ.
– Thí sinh có quyền lựa chọn hình thức trình bày đoạn văn phù hợp: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành. Tuy nhiên, nên ưu tiên chọn hình thức diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp.
– Bố cục một đoạn văn theo hình thức tổng – phân – hợp:
+ Mở đoạn: Có thể viết 1, 2 câu, gồm 1 câu dẫn dắt và 1 câu nêu vấn đề nghị luận.
+ Thân đoạn: Triển khai, làm rõ vấn đề nghị luận bằng các lí lẽ và dẫn chứng phù hợp. Trong phạm vi một đoạn văn ngắn, chỉ nên chọn một dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Lưu ý thí sinh bày tỏ quan điểm riêng nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
+ Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề, rút ra bài học trong khoảng 1 câu.
– Tuyệt đối không viết đoạn văn giống như một bài văn thu nhỏ. Trong thang điểm chấm của Bộ có quy định giám khảo không cho điểm tối đa nếu bài làm triển khai ý như một bài văn ở câu viết đoạn 200 chữ.
Chẳng hạn với đề: Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống.
Nếu viết theo hình thức bài văn thu nhỏ, thí sinh sẽ trình bày theo hướng sau:
+Giải thích khái niệm niềm tin.
+Bàn về sức mạnh của niềm tin.
+Phê phán những người sống không có niềm tin
+Rút ra bài học nhận thức và hành động.
Trong khi đó, với yêu cầu viết 1 đoạn văn, thí sinh chỉ cần dùng luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) để làm rõ luận điểm: Sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống. Tức là thí sinh trả lời câu hỏi: Niềm tin đem đến cho con người những sức mạnh nào? Nó có vai trò quan trọng như thế nào?
– Thí sinh cần diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Nếu diễn đạt rối rắm, sai chính tả, ngữ pháp sẽ bị trừ 0.25 điểm.
– Phần điểm cho sự sáng tạo là 0.25 điểm. Ít thí sinh sinh đạt được điểm này. Tuy nhiên, nếu cố gắng, thí sinh vẫn có thể đạt được. Vậy dấu hiệu của sự sáng tạo là gì?
+ Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ (cách dùng từ, đặt câu…)
+ Đoạn văn không chỉ đảm bảo viết đúng, đầy đủ, làm rõ vấn đề mà còn phải viết hay. Nếu được, thí sinh có thể dẫn vào 01 câu danh ngôn phù hợp ở phần mở đoạn hoặc kết đoạn để bài viết hay hơn.
– Dung lượng phù hợp của đoạn 200 chữ khoảng từ 2/3 đến 1 trang giấy thi.
– Thời gian: Ở câu này, thí sinh nên làm trong khoảng 15 – 20 phút/ 120 phút.
C. Ví dụ:
Đề 1: Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Bài làm:
Sự thấu cảm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi ta có sự thấu cảm, ta sẽ biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người khác để cảm nhận, thấu hiểu, cảm thông với cảnh ngộ, nỗi niềm của họ một cách sâu sắc. Sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm với cộng đồng, với những người xung quanh mình. Sự thấu cảm cũng giúp ta tránh được những phán xét, suy nghĩ cực đoan và sống vị tha hơn đối với người khác. Những người ở trong hoàn cảnh đau buồn, bất hạnh khi nhận được sự thấu cảm, yêu thương, chia sẻ, họ sẽ vơi bớt nỗi buồn, có thêm động lực để vượt qua khó khăn, nỗi đau, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự thấu cảm còn tạo nên mối quan hệ thân thiện, gắn kết, yêu thương giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta phải biết thấu cảm với người khác để sống có tấm lòng, biết yêu thương, sẻ chia với những người bất hạnh, làm cho xã hội tốt đẹp hơn như lời khẳng định của nhà thơ Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”.
Đề 2: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.
Bài làm:
Một nhà thơ người Đan Mạch đã từng cho rằng: “Không thể tồn tại mà không có đam mê”. Thật vậy, việc ta tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Khi có niềm đam mê, chúng ta sẽ có sự nhiệt tình, cháy hết mình trong công việc, học tập, do đó có thể phát huy được một cách tốt nhất năng lực của mình để vươn đến thành công. Nhờ có đam mê, chúng ta sẵn sàng dấn thân, vượt qua những khó khăn, trở ngại để thực hiện điều mình theo đuổi. Đam mê còn là điều kiện cần thiết giúp con người biết vượt lên giới hạn của bản thân để làm nên những việc lớn lao, kì diệu. Nhờ có niềm đam mê nghiên cứu khoa học mà Marie Curie, Thomas Edison, Stephen Hawking…đã vượt qua những khó khăn, thất bại để đem đến những thành tựu khoa học vĩ đại cho nhân loại. Việc tìm ra niềm đam mê thực sự khiến con người cảm thấy cuộc sống này thật thú vị, ý nghĩa biết bao! Nếu thiếu nhiệt huyết, thiếu niềm đam mê, chúng ta cảm thấy cuộc đời này thật tẻ nhạt và làm việc gì cũng sẽ không không có sự cố gắng hết mình. Tóm lại, “hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ đuổi theo bạn” (lời của một nhân vật trong một bộ phim Ấn Độ); tuy nhiên, đó phải là đam mê chân chính, đúng đắn chứ không phải là những đam mê, ham muốn tiêu cực, sai lầm, mù quáng.
Nguồn: Bùi Xuân Thụy An
(Giáo viên trường Trung học Thực hành – ĐHSP TP.HCM)

Add Comment