10 xu hướng “sắp sửa” của tiếp thị nội dung

Để khỏi bị tung hỏa mù trước một mớ bòng bong, bạn có thể tham khảo thêm 10 xu hướng của content marketing do Stacy Minero, trưởng bộ phận phát triển nội dung của Twitter, chia sẻ sau đây:

Live marketing sẽ vượt mặt mảng tài trợ sự kiện: vào 2013, những chiến dịch kiểu như “Dunk in the Dark” của Oreo đã đưa live marketing đến các sự kiện lớn như Super Bowl dù chỉ dùng Twitter như phương tiện chính để nhãn hàng giao tiếp tức thời với người tiêu dùng. Năm nay, các nhãn hàng tiếp tục sử dụng chiêu bài đi nội dung gắn với các sự kiện lớn, đồng thời gợi liên tưởng đến các khoảnh khắc đời thường của mỗi cá nhân. Một chiến lược live marketing điển hình khác cũng đến từ Oreo: chiến dịch #OreoSnackHacks, với nội dung nhắc nhở người tiêu dùng nhớ về những phút thư giãn dùng bữa nhẹ và những thức kết hợp ngon lành cùng món bánh quy đen này. Live marketing chắc chắn sẽ tiếp tục trên đà tăng trưởng mạnh trong 2015, đặc biệt với ngành hàng đồ đóng gói, xe hơi và nhà hàng/ăn uống.

Người dùng tham gia sáng tạo nội dung nhiều hơn: các nhãn hàng đang dần khuyến khích khách hàng của họ “nhập vai” trong các chiến dịch marketing để có những trải nghiệm thú vị hơn. Không khó để điểm qua vài chiến dịch bắt theo xu hướng đang lan rộng này. Năm ngoái, @TheHungerGames đã tạo được một làn sóng quan tâm đông đảo cho tập Mockingjay bằng cách “dụ” fan retweet ‘unlocked’ để đoạn trailer film được công bố. Hay chiến dịch #VoteForJoy của Starbucks cổ xúy khách hàng bầu chọn ra thức uống ưa thích nhất cho ngày lễ, và cuối cùng thức uống đầu bảng được giảm giá 50% tại khắp cửa hàng Starbucks ở Mỹ đúng dịp lễ đó.

Cá nhân hóa nội dung: sự tiến bộ trong công nghệ đang giúp các nhãn hàng và người tiêu dùng tạo ra nội dung được cá nhân hóa dễ dàng hơn. @AmericanExpress từng hợp tác với Digigraph để gửi cho khán giả đang xem trực tiếp qua internet buổi diễn của Pharrell những tờ thủ bút với lời đề tặng riêng từng người. Travelocity thì tung ra loạt video mà trong đó, linh vật của hãng: the Roaming Gnome xướng tên từng vị hành khách cùng với điểm đến trong mơ của họ. Còn Purina thì phát triển nên “Moments Studio,” một dạng toà soạn thường trực để chủ của các chú thú cưng liên tục tự tạo nội dung.

Vai trò của các ngôi sao mạng xã hội sẽ quan trọng hơn: các nhãn hàng tiếp tục hợp tác với những cá nhân gây dựng được danh tiếng trong giới trẻ. Những hợp đồng giữa L’Oreal với YouTuber Michelle Phan, giữa HP với Viner Robby Ayala và Zach King, giữa Vessel với một nhóm các ngôi sao mạng xã hội … là những minh chứng cho xu hướng này. Giờ đây, những agency như Niche Media, buộc phải làm giàu thêm kho porfolio các ngôi sao mạng xã hội trong tay bên cạnh những ngôi sao truyền thống.

Nguyên tắc “30 giây” rời ngôi vương: trong hai năm qua, sự thành công của Vine đã chứng minh được giá trị của những nội dung sáng tạo, thời lượng ngắn và phủ định dần chuẩn mực “30 giây” cho một đoạn video. Ngoài ra, sự phản ứng của người tiêu dùng trước những đoạn video 15s trên Instagram, 6s và 10p trên Twitter và thậm chí dài hơi hơn trên YouTube cho thấy một điều: độ dài của một video không còn là thước đo, mà các nhãn hàng cần phải tập trung vào câu chuyện muốn kể sao cho cảm động được người xem.

Nội dung theo ngữ cảnh: các nhãn hàng giờ đây có thể dễ dàng theo dõi chủ đích của mọi người từ những việc đời thường như mua sắm hay ăn trưa. Những tín hiệu này, chủ yếu được tổng hợp qua hành vi và nội dung họ chia sẻ trên Internet, sẽ giúp nhãn hàng phát đi nội dung hướng chính xác hơn đến từng đối tượng. Chiến dịch Twitter #FriendsAreWaiting của Budweiser là một ví dụ thành công lớn. Budweiser đã phát đi những nội dung về việc dùng chất cồn có trách nhiệm đến những người đang rủ nhau đến bar hoặc các bữa tiệc qua một hệ thống lọc nội dung thông minh. Kết quả: earned-media giành thắng lợi trước paid-media với tỷ lệ 6:1.

Tiếp thị nội dung gắn liền với CR (conversion rate): cái thời đội ngũ creative bế quan múa may ý tưởng tạm coi như tàn từ đây. Ngay năm nay, chúng ta sẽ thấy các nhãn hàng lên kế hoạch nội dung theo sát với hành vi mua hàng, và có sự sáng tạo, khác biệt đi nữa cũng chỉ nhắm thẳng vào các chỉ tiêu ROI mà thôi. Các kế hoạch nội dung giờ đây cần phải bao cả việc chiêu dụ khách hàng bên cạnh khuếch trương thương hiệu như thường lệ. Để phục vụ việc này, các nhãn hàng dự kiến sẽ trọng dụng nhiều hơn những dịch vụ dữ liệu nội bộ hoặc từ bên thứ ba như Datalogix.

Kế hoạch và chi tiêu xoay quanh công nghệ: năm ngoái, công ty phân tích dữ liệu mạng xã hội Spredfast đã sáp nhập với Mass Relevance, một doanh nghiệp crowd-based về phần mềm. Startup chuyên về quản lý dữ liệu mạng xã hội, Sprinklr mua lại TBD Digital, một công ty chuyên về tối ưu hiệu quả paid-media. Và thêm startup Percolate hợp tác với nền tảng công nghệ quảng cáo của SocialCode để phát triển giải pháp người dùng cuối trong việc lên kế hoạch nội dung và mua quang cáo. Những thương vụ đó hứa hẹn sẽ đem lại cho chúng ta những giải pháp công nghệ tiên tiến, đi sâu vào thực thi thông qua các hàm API chứ không chỉ dừng lại ở việc lên kế hoạch.

Agency chi mạnh cho các mô hình sáng tạo mới: trong khi các creative agency giành giật nhau nhân tài, thì các doanh nghiệp lại đang nhăm nhe kết nạp thêm các tên tuổi agency, producer … vào danh sách nguồn lực của mình. Đầu năm 2015, Publicis đã thâu tóm Relvant24, một hãng quảng cáo số chuyên về live content dựa trên các xu hướng văn hóa. Nếu bạn chưa nghe gì về công cuộc cách mạng “nghệ thuật gặp gỡ khoa học” trong phát triển nội dung marketing, chuẩn bị đi là vừa!

Data = everyday insights: trong 2015, có dữ liệu thôi cũng không là gì, phân tích được khối dữ liệu đó thành những thông tin hữu ích cho marketer hay không mới là vấn đề đáng bàn. Từ 2013, Mindshare, media agency của WPP, đã phát triển The Loop, một cổng xử lý dữ liệu marketing thời gian thực xử lý hơn 100 luồng dữ liệu để tổng hợp được những insight sát với nhu cầu của các đối tác. Một số cái tên khác đáng chú ý là Tweetdeck và Brandwatch, những hãng đã tổng hợp được insight người tiêu dùng, phục vụ cho các chiến lược paid content của nhãn hàng lớn như Land Rover.

Kết luận: content marketing chắc chắn không phải là một xu hướng nhất thời – mà sẽ ngày càng đóng góp nhiều vào công cuộc kiến thiết thương hiệu của mỗi nhãn hàng.

 

Nguồn: AdWeek

 

Add Comment